Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao tặng bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Báo Ninh Bình |
Dự lễ kỷ niệm có Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi lẵng hoa chúc mừng.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chúc mừng những thành tựu, kết quả to lớn mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Bình đã đạt được trong 25 năm qua.
Chủ tịch nước nêu rõ, mặc dù xuất phát điểm thấp, cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, cơ sở vật chất nghèo nàn, hạ tầng đô thị lạc hậu, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, song sau 25 năm tái lập, Ninh Bình đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, giành được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trong phát triển kinh tế, xã hội.
Kinh tế Ninh Bình có bước phát triển nhanh, bình quân 25 năm qua tăng 17,59%, cao hơn bình quân chung cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; sản xuất công nghiệp từng bước trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; sản xuất nông nghiệp đạt nhiều kết quả quan trọng trong ứng dụng khoa học-công nghệ.
Du lịch có bước phát triển đột phá, quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, mở ra cơ hội đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư, nhất là hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật, được Trung ương đánh giá là một trong những điểm sáng của toàn quốc. Đáng phấn khởi là trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp song các lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt kết quả khá toàn diện; khối đại đoàn kết toàn dân được mở rộng; quốc phòng địa phương được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững...
Định hướng về phát triển của Ninh Bình trong tương lai, Chủ tịch nước đề nghị tỉnh tập trung khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển, chú trọng đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, hiện đại trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.
Ninh Bình phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao, công nghệ sạch; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm có hàm lượng trí tuệ, giá trị gia tăng cao... Phát triển ngành sản xuất vật liệu xây dựng theo quy hoạch, bảo đảm hài hòa giữa khai thác, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường.
Ninh Bình cần chú trọng phát triển du lịch bền vững, nhất là du lịch hướng về cội nguồn, sinh thái-nghỉ dưỡng gắn với phát triển sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Ninh Bình là một trong những trung tâm du lịch trọng điểm quốc gia. Cùng với đó, quan tâm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản, các di tích lịch sử-văn hóa; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch gắn với phát triển văn hóa và tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa, du lịch, bảo vệ cảnh quan, môi trường.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đề nghị tỉnh Ninh Bình đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tăng cường nguồn lực cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chú trọng thu hút đầu tư vào nông nghiệp sử dụng công nghệ cao. Xây dựng và thực hiện các mô hình sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ giữa nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nước. Khuyến khích, tạo điều kiện để tích tụ ruộng đất, hình thành sản xuất lớn trong nông nghiệp.
Cùng với phát triển kinh tế, Chủ tịch nước Trần Đại Quang lưu ý Ninh Bình cần chú trọng phát triển lĩnh vực văn hóa-xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, bảo đảm an sinh xã hội; chú trọng đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; xây dựng, triển khai các mô hình giảm nghèo bền vững, tăng thu nhập, chống tái nghèo. Phát huy đoàn kết lương giáo, định hướng, động viên các tôn giáo đồng hành cùng dân tộc, chung sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh...
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, Chủ tịch nước nhấn mạnh vấn đề có ý nghĩa then chốt và quyết định là tập trung làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, gần dân, sâu sát dân; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ninh Bình cũng cần đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu chính đáng của người dân và doanh nghiệp.