Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc khơi dậy sức mạnh dân tộc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Từ nhận thức sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của việc khơi dậy sức mạnh dân tộc nhằm tạo nên động lực to lớn cho cách mạng Việt Nam, trong nhiều bài nói, bài viết, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã có những lời động viên, kêu gọi có sức lay động và có sức thuyết phục lớn lao đối với quốc dân, đồng bào trong các thời điểm có tính chất bước ngoặt của cách mạng Việt Nam.
Hạt nhân, nguồn gốc sâu xa và chủ yếu của sức mạnh dân tộc theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tinh thần đại đoàn kết dân tộc dựa trên sự thống nhất về lợi ích căn bản (Ảnh tư liệu).
Hạt nhân, nguồn gốc sâu xa và chủ yếu của sức mạnh dân tộc theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tinh thần đại đoàn kết dân tộc dựa trên sự thống nhất về lợi ích căn bản (Ảnh tư liệu).

Từ rất sớm, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nhận ra cội nguồn của sức mạnh dân tộc, đó là đại đoàn kết dân tộc. Do đó, trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, xuất bản lần đầu tiên tại Paris (Pháp) năm 1925, Người nhận định, các dân tộc phương Đông chậm nhận ra và chưa khơi dậy được sức mạnh dân tộc. “Miền Cận Đông và Viễn Đông, kể từ Xyri đến Triều Tiên - chỉ tính những nước thuộc địa và nửa thuộc địa thôi - có một diện tích rộng hơn 15 triệu kilômét vuông, với số dân hơn 1.200 triệu người. Tất cả những nước rộng lớn ấy hiện đang ở dưới ách của chủ nghĩa đế quốc tư bản. Và mặc dầu dân số của họ đáng lẽ phải làm cho họ có sức mạnh, các dân tộc bị áp bức đó vẫn chưa bao giờ ra sức tìm tòi thật đến nơi đến chốn con đường tự giải phóng, cho nên họ chưa hiểu được giá trị của sự đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế. Họ chưa có những mối liên hệ giữa các lục địa như các dân tộc châu Âu và châu Mỹ. Họ có sẵn trong bản thân một sức mạnh vô cùng to lớn mà họ chưa biết!”, Người viết.

Vì thế, trên những chặng đường cách mạng, Người luôn khơi dậy và phát huy nguồn sức mạnh của lòng yêu nước để lãnh đạo nhân dân ta từng bước giành thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945, mặc dù Đảng ta chưa giành được chính quyền, đất nước vẫn rên xiết dưới ách nô lệ của chế độ thực dân nửa phong kiến, nhưng để cổ vũ cho cao trào cách mạng Việt Nam giai đoạn 1939 - 1945, ngày 6/6/1941, Người viết Kính cáo đồng bào, trong đó kêu gọi: “Trong lúc này, quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng. Hỡi đồng bào yêu quý! Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm: Người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng. Riêng phần tôi, xin đem hết tâm lực đi cùng các bạn, vì đồng bào mưu giành tự do, độc lập, dầu phải hy sinh tính mệnh cũng không nề. Hỡi các chiến sĩ cách mạng! Giờ giải phóng đã đến. Hãy phất cao cờ độc lập, lãnh đạo toàn dân đánh tan thù chung. Tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đương vang dội bên tai các đồng chí! Máu nóng của bậc anh hùng đương sục sôi trong lòng các đồng chí! Chí phấn đấu của quốc dân đương chờ đợi sự lãnh đạo của các đồng chí!”.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Người trong Thư kêu gọi tổng khởi nghĩa, viết ngày 18/8/1945: “Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng đã nhất tề đứng lên làm cuộc Cách mạng Tháng 8 thành công. Việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mùa Thu năm 1945 đã tạo nên một bước ngoặt lịch sử, làm thay đổi căn bản vận mệnh của dân tộc, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Để cải tạo xã hội cũ, giữ vững nền độc lập, chính quyền còn non trẻ và kiến tạo một chế độ xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa, ngay những tháng cuối năm 1945, Người viết bài Nhân tài và kiến quốc đăng trên Báo Cứu quốc và kêu gọi: “Sau 80 năm bị bọn Pháp thực dân giày vò, nước Việt Nam ta cái gì cũng kém cỏi, chỉ có lòng sốt sắng của dân là rất cao. Nay muốn giữ vững nền độc lập thì chúng ta phải đem hết lòng hăng hái đó vào con đường kiến quốc”.

Mặc dù đã làm hết sức mình để tránh cuộc chiến đổ máu cho cả hai dân tộc Việt - Pháp, nhưng khi kẻ thù quyết tâm cướp nước ta một lần nữa, chúng ta phải kiên quyết chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, thôi thúc toàn dân ta đứng lên cứu nước: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ... Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”. Đây là đỉnh cao của lời hiệu triệu, có sức lay động lớn và sức thuyết phục mạnh mẽ, đúng như Điếu văn tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9/9/1969 do cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc đã khẳng định: “Đó là lời kêu gọi cứu nước khẩn thiết hiện nay của Tổ quốc, là lời hịch của ông cha ta vang vọng tự ngàn xưa, là nghĩa vụ thiêng liêng của chúng ta đối với muôn đời con cháu”.

Ngày 17/7/1966, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc bước vào giai đoạn ác liệt nhất, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh bằng không quân đánh phá miền Bắc, trên Đài Tiếng nói Việt Nam, lời kêu gọi nhân dân cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vang lên: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”.

Để bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc, đáp lại lời kêu gọi của Bác Hồ, nhân dân Việt Nam đã chiến đấu kiên cường, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” và “không có gì quý hơn độc lập tự do” đã thực sự là động lực tinh thần to lớn thôi thúc lớp lớp thế hệ người Việt Nam lên đường chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Hiện nay, khơi dậy và phát huy sức mạnh dân tộc theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vấn đề vừa mang tính cấp bách trước mắt, vừa là chiến lược lâu dài của cách mạng Việt Nam. Hạt nhân, nguồn gốc sâu xa và chủ yếu của sức mạnh dân tộc theo chỉ dẫn của Người chính là tinh thần đại đoàn kết dân tộc dựa trên sự thống nhất về lợi ích căn bản. Đất nước đang tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập ngày càng sâu rộng trong bối cảnh toàn cầu hóa với nhiều thời cơ và vận hội lớn, nhưng cũng đối mặt với những nguy cơ và thách thức không nhỏ. Trước mắt, Việt Nam phải đối mặt với đại dịch Covid-19. Vì vậy, hơn bao giờ hết, khơi dậy và phát huy sức mạnh dân tộc theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tất yếu.

Theo đó, mỗi cá nhân, mỗi tập thể, cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành chức năng cùng cả hệ thống chính trị cần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về sự cần thiết, ý nghĩa của việc khơi dậy và phát huy sức mạnh dân tộc theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh để vận dụng cho phù hợp với tình hình mới. Nhiệm vụ cấp bách trước mắt là tiếp tục hưởng ứng Lời kêu gọi toàn dân chống đại dịch Covid-19 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Toàn thể dân tộc Việt Nam hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch Covid-19” và quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ - vừa bảo đảm sức khỏe, tính mạng người dân, vừa tìm mọi biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ổn định, giữ vững và phát triển kinh tế với tinh thần “không để một ai bị bỏ lại phía sau”. Đây chính là biểu hiện sinh động nhất của sức mạnh dân tộc, cũng chính là trái ngọt của việc phát huy sức mạnh tinh thần yêu nước.

Và hơn bao giờ hết, đối diện với khó khăn, thử thách từ thiên tai, địch họa và dịch bệnh, người dân Việt Nam lại tìm thấy những chỉ dẫn quý báu của Bác Hồ về khơi dậy sức mạnh dân tộc để chung sức, đồng lòng xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, phát triển bền vững.

Chuyên đề