Ông Lai Xiaomin - Ảnh: Bloomberg. |
Chủ tịch công ty quản lý tài sản China Huarong Asset Management của Trung Quốc - ông Lai Xiaomin - bị điều tra tham nhũng, trong bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng mạnh tay của Bắc Kinh tiến sâu hơn vào ngành tài chính.
Hãng tin Bloomberg cho biết cổ phiếu của Huarong - công ty quản lý tài sản do nhà nước nắm quyền kiểm soát - đã bị đình chỉ giao dịch tại thị trường Hồng Kông vào ngày thứ Tư.
Một tuyên bố của Ủy ban Thanh tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc nói rằng ông Lai đang bị điều tra vì bị tình nghi vi phạm kỷ luật và phạm pháp. Đây là cụm từ thường được dùng để chỉ tội tham nhũng trong các cuộc điều tra nhằm vào các quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc.
Sau khi lên cầm quyền, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khởi động một chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng.
Gần gây, chiến dịch này tiến sâu vào bộ máy lãnh đạo các doanh nghiệp, như một nỗ lực nhằm hạn chế đà phát triển dựa trên vay nợ của các công ty hàng đầu Trung Quốc. Nhiều sếp của các doanh nghiệp quốc doanh và tỷ phú thuộc khu vực kinh tế tư nhân - dù giàu có và có nhiều mối quan hệ tốt - vẫn trở thành đối tượng điều tra tham nhũng và các tội danh tài chính khác.
Vụ điều tra ông Lai diễn ra chỉ vài tuần sau khi ông Wu Xiaohui, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch hãng bảo hiểm tư nhân khổng lồ Anbang bị đưa ra trước vành móng ngựa. Trước đó, vào tháng 2, Chính phủ Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát Anbang.
Theo một số nguồn tin, sau vụ Anbang còn có một tỷ phú khác, ông Ye Jianming - nhà sáng lập hãng dầu lửa tư nhân CEFC - bị điều tra.
Đã xuất hiện những manh mối về quan hệ giữa Huarong với CEFC, cũng như với nỗ lực của CEFC nhằm thâu tóm 14% cổ phần hãng dầu lửa khổng lồ của Nga Rosneft. Hồi tháng 12 năm ngoái, tờ Tin tức Bắc Kinh đưa tin nói rằng một đơn vị thuộc Huarong đã thâu tóm cổ phần của đơn vị CEFC dự kiến chi 9 tỷ USD để mua cổ phần trên của Rosneft.
Một ngày sau khi có tin ông Ye bị điều tra, CEFC đã bị chính quyền Thượng Hải giành quyền kiểm soát, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin hôm 2/3.
Một lý do đằng sau việc Trung Quốc đẩy mạnh điều tra các doanh nghiệp nằm ở vấn đề kinh tế. Cách đây 1 thập kỷ, Chính phủ nước này để cho các doanh nghiệp thoải mái vay nợ để phát triển, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Giờ đây, trọng tâm đã chuyển sang giảm nợ cho nền kinh tế và hạn chế rủi ro tài chính - một nhân tố có thể đe dọa tăng trưởng.
Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, Trung Quốc đã tích tụ số nợ lớn kỷ lục, hiện đã tương đương khoảng 264% tổng sản phẩm trong nước (GDP), theo ước tính của Bloomberg.
Huarong - một trong những công ty quản lý tài sản lớn nhất Trung Quốc, là một trong 4 công ty được Chính phủ nước này thành lập vào năm 1999 để giúp giải quyết vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.
Công ty quốc doanh này đã thực hiện đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá 2,5 tỷ USD vào năm 2015, theo đó được định giá hơn 15 tỷ USD. Huarong có giá trị vốn hóa 16,4 tỷ USD trước khi cổ phiếu bị ngừng giao dịch. Trước đó, công ty dự kiến sẽ niêm yết cổ phiếu tại thị trường Trung Quốc đại lục trong năm nay.