Chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy, thập kỷ mới hà khắc hơn

(BĐT) - Hiện tại, hiếm có tài liệu nào đề cập tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu mà không nhắc tới chủ nghĩa dân tộc. Sự trỗi dậy của tư tưởng này tạo nên những thay đổi chính sách, từ đó tác động sâu rộng tới môi trường kinh tế toàn cầu. Các quốc gia cũng như doanh nghiệp đang phải lập kế hoạch mới để thích ứng với những thay đổi khó lường.
Brexit là ví dụ điển hình của chủ nghĩa dân tộc
Brexit là ví dụ điển hình của chủ nghĩa dân tộc

Xác lập xu hướng

Nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, là ví dụ điển hình nhất của chủ nghĩa dân tộc, nơi chính phủ quốc gia coi rằng việc rút lui khỏi các mối liên kết trên toàn cầu là cách thức tốt nhất để bảo vệ lợi ích dân tộc trước những biến động của thị trường kinh tế tự do.

Khẩu hiệu “Make America Great Again” (Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại), cùng quyết định rút lui khỏi nhiều hiệp định thương mại tự do và các tổ chức thương mại đa phương khác của nước Mỹ cũng là một ví dụ khi nhắc tới việc bảo hộ nền kinh tế nội địa.

Thực tế, các chính sách kinh tế tìm kiếm và đề cao lợi ích quốc gia, sẵn sàng hy sinh các mối liên kết kinh tế. Làn sóng này bao gồm việc áp dụng các hàng rào thuế quan (Mỹ); rút lui khỏi các hiệp định thương mại song phương/đa phương (Mỹ, Anh); “bao bọc” các ngành kinh tế nội địa (Trung Quốc, Pháp, Đức); thắt chặt quy định nhập cư (Mỹ và nhiều quốc gia phát triển); kiểm soát dòng vốn đầu tư trực tiếp (Mỹ, EU)… Tất cả đều là biểu hiện chung của chủ nghĩa dân tộc, hay chủ nghĩa dân túy.

Mới đây, Viện Kinh tế học quốc tế Peterson (PIIE) đã thực hiện nghiên cứu đo lường những thay đổi trong chính sách của đảng cầm quyền thuộc nhóm G20 tại 2 thời điểm: giữa những năm 2000 và cuộc bầu cử gần đây nhất (giai đoạn 2015 - 2018). Kết quả cho thấy, có sự dịch chuyển sang chủ nghĩa dân tộc tại hầu hết các nền kinh tế lớn, cũng như các nền kinh tế đang phát triển.

Tại các nền kinh tế phát triển, thay đổi lớn nhất là các quy định liên quan tới thương mại và chính sách nhập cư. Tại các nền kinh tế đang phát triển, chuyển biến mạnh nhất hiện diện tại một số lĩnh vực công nghiệp và chính sách vĩ mô. Nhìn chung, chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy tại các quốc gia trên toàn cầu. Tuy nhiên, các nền kinh tế mới nổi vẫn duy trì chính sách cổ vũ tự do thương mại rộng rãi hơn so với các quốc gia phát triển. 

Nỗi lòng doanh nghiệp

Kết quả khảo sát các CEO trên toàn cầu của nhiều tổ chức kinh tế lớn đều mang lại chung kết luận: sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, với ngòi nổ từ Brexit, Tổng thống Mỹ Donald Trump và sức mạnh của phe cực hữu châu Âu là mối đe dọa lớn nhất tới triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp.

Chẳng hạn, theo khảo sát 1.300 lãnh đạo cấp cao tại các công ty lớn nhất thế giới do KPMG thực hiện năm 2018, một nửa số người tham gia khảo sát đánh giá, mối bận tâm to lớn hiện tại là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, mà đi kèm là các chính sách áp thuế, sử dụng hạn ngạch nhập khẩu. Đáng chú ý, 2/3 số CEO tại Anh tham gia khảo sát coi đây là mối đe dọa nghiêm trọng nhất.

Đa phần các CEO nhận định, rủi ro địa chính trị, quy định và biến động đầu tư sẽ khiến đà tăng trưởng của doanh nghiệp chậm lại trong những năm tới.

Đáng chú ý, theo kết quả khảo sát, Mỹ, Anh và Trung Quốc là những quốc gia chịu nhiều rủi ro khó lường nhất xuất phát từ các chính sách bảo hộ kinh tế nội địa.

Để thích ứng với những thay đổi của môi trường kinh doanh trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ leo thang, 1.000 công ty trên toàn cầu đã chi thêm 700 tỷ USD cho hoạt động R&D trong năm 2018. Con số này chắc chắn sẽ còn gia tăng, bởi các chuyên gia R&D cho biết, họ nhận thấy khó có thể tìm kiếm hoặc duy trì được nguồn nhân lực chất lượng cao bởi các chính sách nhập cư có sự thay đổi vì chủ nghĩa bảo hộ.

Chẳng hạn, tại Mỹ, các công ty công nghệ hàng đầu thế giới bao gồm Google, Facebook và Microsoft đã cùng lên tiếng kêu gọi duy trì chính sách thu hút nhân tài, trong bối cảnh lệnh cấm vận của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngăn cản người lao động tại nhiều quốc gia tới Mỹ.

“Nghiên cứu, sáng tạo là yếu tố thiết yếu đóng góp cho sự thành công của bất kỳ nền kinh tế nào trong tương lai. Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia hiện nay, nhất là tại Anh, nhiều chính sách đang khiến những nhân tài nước ngoài rút lui hoặc từ bỏ”, Marco Amitrano, người đứng đầu bộ phận tư vấn tại PwC Anh nhận định. 

Trong thế giằng co

Trong nhiều năm qua, châu Âu đã ở trong màn sương của những biến chuyển chính trị từ chủ nghĩa dân tuý. Những thắng lợi của phe cực hữu trong các cuộc bầu cử gần đây tại Italy, Áo, Hungary và Thụy Điển cho thấy, chủ nghĩa dân tộc đã dần trở thành dòng chảy chính. Xu hướng này sẽ diễn biến như thế nào trong tương lai? Liệu dòng chảy này có thể đảo ngược?

Câu trả lời nằm ở phía trước, nhưng những dữ liệu lịch sử có thể cung cấp một số chỉ dẫn. Theo các chỉ số tổng hợp bởi Quỹ đầu tư Bridgewater, tỷ trọng cử tri lựa chọn bỏ phiếu cho các ứng cử viên theo chủ nghĩa dân tộc đã tăng từ mức 7% năm 2010 lên 35% năm 2017.

Lần gần đây nhất thế giới chứng kiến diễn biến tương tự là vào những năm 1930, khi tỷ lệ này đạt đỉnh 40%. Và dù Bridgewater chưa công bố các số liệu cập nhật sau năm 2017, nhưng chắc chắn tỷ lệ này hiện tại đã cao hơn.

Điều đáng giật mình hơn nữa là nếu như những năm 1930, chủ nghĩa dân tộc đạt đỉnh khi nền kinh tế rơi sâu vào suy thoái thì hiện tại, phe cực hữu đang giành thắng lợi tại nhiều quốc gia ngay cả khi tăng trưởng kinh tế không lấy làm bi quan. Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu khi đà suy thoái của kinh tế thế giới đến, chủ nghĩa dân tộc sẽ còn leo thang hơn nữa, hay đây đã là đỉnh cao của xu hướng này?

Trước các câu hỏi hóc búa này, có nhiều ý kiến trái chiều xuất hiện. Chẳng hạn, nhà nghiên cứu Simon Schama trả lời phỏng vấn của Financial Times rằng, chủ nghĩa dân túy đã bắt đầu đi xuống tại châu Âu, khi các cuộc bầu cử quốc hội gần đây cho thấy không có nhiều ghế dành cho phe cực hữu. Tại Mỹ, các ứng cử viên có cách nhìn đối nghịch với Tổng thống Trump cũng đang tích cực chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào tháng 11/2020.

Trong khi đó, một khảo sát do Yes Foundation thực hiện tại 15 quốc gia cho thấy, ¼ dân số có xu hướng chấp nhận và ủng hộ chủ nghĩa dân tộc. Thực tế, chủ nghĩa dân tộc hoạt động mạnh mẽ nhất tại các quốc gia nơi cử tri cảm thấy không hạnh phúc, không hài lòng với cuộc sống hiện tại.

Lịch sử cho thấy, chủ nghĩa dân tộc thường tạo nên những hệ quả đáng lo ngại. Và trong bối cảnh giằng co như hiện nay, thử thách của nền kinh tế toàn cầu vẫn nằm ở phía trước. Tất cả sự chú ý sẽ đổ dồn vào những người lãnh đạo quốc gia, cũng như từng lá phiếu bầu trong thời gian tới.              

Chuyên đề