Chủ nghĩa bảo hộ đe dọa kinh tế toàn cầu

(BĐT) - Mặc dù các chính sách mở cửa, ủng hộ toàn cầu hóa thương mại đã trở thành tiêu chuẩn kể từ khi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ra đời năm 1995, nhưng khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 - 2009 đã tạo nên bước ngoặt. Theo đó, cuộc khủng hoảng này làm hồi sinh chủ nghĩa bảo hộ tại nhiều quốc gia và có chiều hướng ngày càng phát triển mạnh.
Mức độ chịu ảnh hưởng của các quốc gia trước các chính sách bảo hộ thương mại năm 2017
Mức độ chịu ảnh hưởng của các quốc gia trước các chính sách bảo hộ thương mại năm 2017

Chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy

Với quan điểm coi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) là “thỏa thuận thương mại tự do tệ nhất từng được ký kết” trong chiến dịch tranh cử, lựa chọn tuyên ngôn “Nước Mỹ trên hết” (America Fisrt) và thẳng thắn tuyên bố “chiến tranh thương mại là tốt và dễ để giành phần thắng”, ông Trump đã góp phần quan trọng khiến chủ nghĩa bảo hộ “bước ra ánh sáng” trên sân khấu toàn cầu.

Thực tế, không riêng nước Mỹ, chủ nghĩa bảo hộ đã trở thành xu hướng trên toàn cầu kể từ năm 2008, khi các quốc gia sử dụng các chính sách mới nhằm hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp nội địa trước sức ép cạnh tranh từ các doanh nghiệp ngoại dưới nhiều hình thức khác nhau (áp dụng hạn ngạch, nâng thuế nhập khẩu, gia tăng các yêu cầu kỹ thuật…).

Theo Tổ chức Cảnh báo thương mại toàn cầu (Global Trade Alert - GTA), Chỉ số đo lường tác động của chính sách bảo hộ thương mại tại mỗi quốc gia do GTA thực hiện đều dương trong giai đoạn từ năm 2009 tới tháng 8/2018. Số liệu này cho thấy, thương mại toàn cầu đang nghiêng theo xu hướng bảo hộ. Con số không ngừng gia tăng cũng thể hiện chủ nghĩa bảo hộ đang lan rộng, với tác động ở mức cao hơn 2,5 lần so với năm 2010. Đáng chú ý, 73% hoạt động xuất khẩu của các quốc gia thuộc nhóm G20 đã đối diện với các chính sách hạn chế thương mại năm 2017, theo số liệu của GTA.

Theo một nghiên cứu vào tháng 6/2018 của Keith Head và Thierry Mayer tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách kinh tế (Centre for Economic Ploicy Research), trong bối cảnh nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), NAFTA tiến hành thương lượng lại, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) không có sự góp mặt của Mỹ, ngành công nghiệp ô tô, tự động hóa của Canada và Mexico sẽ chịu tổn thất lần lượt 44% và 29% bởi hệ thống sản xuất có sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng trên toàn cầu và doanh thu bán hàng tại Mỹ bị ảnh hưởng…

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại diễn ra và chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy, có rất nhiều nạn nhân chịu tổn thương, mà đầu tiên là WTO. Không ít ý kiến nghi ngờ liệu tổ chức này có trở nên “lạc hậu” và hiện tại, các động thái của chính quyền Tổng thống Trump đang hướng về phía này. 

Tác động lan tỏa

Theo giới phân tích, có nhiều nguyên nhân khiến chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy và sự hiện diện không chỉ rõ ràng tại Mỹ, mà còn ở nhiều khu vực khác trên thế giới, trong đó có châu Âu, điển hình là Brexit. Một cách rõ ràng, ban đầu, quyết định Brexit đưa ra không xuất phát từ tư tưởng bảo hộ, tuy nhiên, diễn biến này cổ vũ rõ nét nhất xu hướng đi ngược lại sự hòa nhập và có thể tạo tiền lệ xấu.

Bóng mây Brexit sẽ bao trùm nước Anh nói riêng và châu Âu nói chung trong thời gian tới. Nó không chỉ tác động tới hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp, mà còn tạo môi trường kinh tế - chính trị bất ổn, khó đoán định. Nước Anh rút khỏi EU chính là biểu hiện của việc tách rời nền kinh tế quốc gia khỏi mối tổng hòa chung về kinh tế - chính trị, một trong những biểu hiện của chủ nghĩa bảo hộ.

Một vấn đề khác mà các quốc gia phải đối mặt là sự ủng hộ của công chúng đối với hội nhập kinh tế đang có dấu hiệu giảm sút trên toàn cầu. Các mối lo ngại liên quan tới việc mở cửa nền kinh tế, toàn cầu hóa xuất hiện đậm nét hơn. Chẳng hạn, không ít ý kiến chỉ trích tự do hóa thương mại bởi tin rằng, điều này khiến nền kinh tế nội địa dễ tổn thương trước làn sóng ngoại nhập. Chưa kể, đây cũng là một trong các yếu tố làm gia tăng tính bất công trong xã hội ở phạm vi quốc gia cũng như quốc tế.

Mới đây nhất, tháng 5/2019, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phải lên tiếng vận động người dân Pháp đi bầu cử để chống lại những người có tư tưởng bài châu Âu, khi các cuộc thăm dò cho thấy tỷ lệ đi bầu cử tại cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu tại Pháp sẽ rất thấp và đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN) đang dẫn đầu. Tuy nhiên, kết quả vẫn là các đảng dân túy và dân tộc thắng lớn tại Italy, Pháp và Anh. Với một nội bộ châu Âu đầy chia rẽ và chủ nghĩa dân túy từng bước lấn sân, sự ổn định tại khu vực này khó có thể được giữ gìn. Đây cũng là lý do dẫn đến không ít ý kiến lo ngại chủ nghĩa bảo hộ sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ nổi lên trên toàn cầu, nhất là tại các nền kinh tế phát triển, những tổn thương mà các nền kinh tế đang phát triển phải hứng chịu là dễ thấy. Toàn cầu hóa được xem là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn vừa qua và để bảo vệ môi trường kinh doanh tự do này, các nền kinh tế cần lên tiếng nói.

Trong một hội nghị do Credit Suisse tổ chức tại Singapore, Tommy Koh, đại diện Bộ Ngoại giao Singapore từng nhận định, chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc tại Mỹ, châu Âu đang trở thành mối đe dọa đối với sự thịnh vượng tại châu Á. Trái ngược với bước đi của các nền kinh tế phát triển, châu Á đi theo hướng khác: mở cửa nền kinh tế, hướng tới tự do và hòa nhập.

Theo giới chuyên gia, trong bối cảnh nhiều hiệp định thương mại đang được đàm phán hoặc manh nha hình thành, các quốc gia nhỏ cần nhấn mạnh tới tính cạnh tranh và tự tin vào năng lực trong các cuộc thương lượng, nhất là các hiệp định thương mại song phương với nước lớn, từ đó nắm lợi thế lớn hơn trong các thỏa thuận thương mại đa biên.

Chuyên đề