Chốt ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV

0:00 / 0:00
0:00

Được thông qua với đa số phiếu tán thành, Nghị quyết về ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã “chốt” ngày bầu cử là 23/5/2021.

Các đại biểu Quốc hội tán thành gần như tuyệt đối việc ấn định ngày bầu cử Quốc hội khoá tới là 23/5/2021.
Các đại biểu Quốc hội tán thành gần như tuyệt đối việc ấn định ngày bầu cử Quốc hội khoá tới là 23/5/2021.

Với Nghị quyết được thông qua chiều nay (17/11), Quốc hội đã chọn Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là Chủ nhật, ngày 23/5/2021.

Nghị quyết nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan theo trách nhiệm thi hành.

Trình Quốc hội về việc quyết định Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trước đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Tuý cho biết, việc lựa chọn thời điểm như trên căn cứ vào quy định của pháp luật về bầu cử.

Cụ thể, các căn cứ được nêu ra là Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân số 85/2015/QH13, Thông báo Kết luận số 174-TB/TW ngày 08/6/2020 của Bộ Chính trị về Phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

“Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, tại Điều 4 quy định: “Quốc hội quyết định Ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp” và Điều 5 quy định: “Ngày bầu cử phải là ngày Chủ nhật và được công bố chậm nhất 115 ngày trước ngày bầu cử” – tờ trình dẫn.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 118/2020/QH14 về việc thành lập Hội đồng Bầu cử Quốc gia với 19 thành viên do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia.

Bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước là các Phó Chủ tịch Hội Bầu cử Quốc gia.

Hội đồng Bầu cử Quốc gia có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 theo quy định của pháp luật; phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện nhiệm vụ được giao.

Chiều ngày 3/8, tại Nhà Quốc hội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia họp phiên thứ nhất. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp.

Việc thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia tại nhiệm kỳ này, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, là sớm hơn một kỳ họp. Sở dĩ như vậy, Chủ tịch Quốc hội giải thích, là để giúp Hội đồng Bầu cử Quốc gia chủ động, sớm đi vào hoạt động, có thêm quỹ thời gian để hướng dẫn các quy định mới trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương vừa được Quốc hội khóa XIV sửa đổi.

Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia đã được thành lập sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia ký chứng thực ban hành Nghị quyết số 07/NQ-HĐBCQG hồi tháng 9/2021. Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia có nhiệm vụ phục vụ hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia và các Tiểu ban của Hội đồng bầu cử quốc gia trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Hội đồng bầu cử quốc gia cũng bổ nhiệm ông Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội giữ chức Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia.

Chuyên đề