Chống gian lận xuất xứ hàng hóa: Cần phối hợp từ nhiều phía

(BĐT) - Cơ quan hải quan đang điều tra sâu đối với gian lận xuất xứ trong một số ngành hàng có rủi ro cao. Để đạt hiệu quả về chống gian lận xuất xứ hàng hóa, cơ quan hải quan cho rằng cần sự phối hợp của các ngành có liên quan và cả tiếng nói của các nhà sản xuất trong nước.
Một số ngành hàng như thép, gỗ, hải sản, xe đạp, pin năng lượng… đang bị điều tra về gian lận xuất xứ. Ảnh: Lê Tiên
Một số ngành hàng như thép, gỗ, hải sản, xe đạp, pin năng lượng… đang bị điều tra về gian lận xuất xứ. Ảnh: Lê Tiên

Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), đối tác của Việt Nam trải rộng khắp châu Á, châu Mỹ, châu Âu, châu Úc. Do đó, theo ông Âu Anh Tuấn, Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan thuộc Tổng cục Hải quan, không loại trừ hàng hóa của một số nước, trong đó có Trung Quốc, giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang các đối tác FTA, hoặc các quốc gia dành cho Việt Nam các ưu đãi về thuế quan thấp hơn.

Để đối phó với tình trạng này, Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan đang điều tra sâu về gian lận xuất xứ trong một số ngành hàng như thép, gỗ, hải sản, xe đạp, pin năng lượng. Kết quả điều tra bước đầu đã cho thấy những vi phạm của các doanh nghiệp trong việc sử dụng các giấy tờ không hợp pháp và có dấu hiệu làm giả. Cụ thể, một số doanh nghiệp nhập khẩu ván bóc bán thành phẩm từ Trung Quốc về để sản xuất gỗ ván bóc xuất khẩu nhưng không khai báo trong hồ sơ xin cấp chứng nhận xuất xứ (C/O).

Mặt khác, cơ quan hải quan đang tập trung phân tích các ngành hàng, mặt hàng có kim ngạch tăng đột biến để so sánh với quy mô, khả năng của sản xuất trong nước nhằm loại bỏ các mặt hàng từ nước ngoài chuyển vào Việt Nam lấy xuất xứ để xuất khẩu sang nước thứ ba, cạnh tranh không lành mạnh với các nhà sản xuất trong nước.

Để đẩy mạnh công tác chống gian lận xuất xứ từ cửa khẩu, ngày 23/8/2019, Tổng cục Hải quan đã ban hành Công văn số 5189/TCHQ-GSQL chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, xác định xuất xứ chống gian lận, giả mạo xuất xứ. Theo đó, quy định rõ việc kiểm tra, giám sát và kiểm soát xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của chi cục hải quan nơi làm thủ tục đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Bên cạnh đó, thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và để phòng chống gian lận xuất xứ hàng hóa, Tổng cục Hải quan đã tiến hành trao đổi thông tin về tờ khai hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa với các bộ, ngành có liên quan, trong đó có Bộ Công Thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Đây là hai cơ quan được Chính phủ giao cấp C/O.

Bộ Công Thương và VCCI có thể tra cứu dữ liệu thông tin tờ khai xuất khẩu trên Cổng thông tin một cửa quốc gia để phục vụ việc cấp C/O, đối chiếu giữa thông tin khai báo trên tờ khai hải quan với thông tin khai báo trong hồ sơ xin cấp C/O để phát hiện những dấu hiệu bất thường.

Định kỳ cơ quan hải quan cung cấp số liệu kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu cho các cơ quan có liên quan để chủ động phòng chống gian lận xuất xứ đối với những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng bất thường và có dấu hiệu rủi ro cao về gian lận xuất xứ.

Ở chiều ngược lại, Bộ Công Thương và VCCI cũng cung cấp dữ liệu về cấp C/O cho cơ quan hải quan để phối hợp kiểm soát chống gian lận xuất xứ.

Chia sẻ quan điểm về công tác chống gian lận xuất xứ hàng hóa, ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nói: “Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt trong việc chống gian lận xuất xứ, chống chuyển tải bất hợp pháp nhằm bảo vệ thương hiệu, uy tín của hàng hoá Việt Nam, bảo vệ và hỗ trợ phát triển các nhà sản xuất Việt Nam. Các FTA là thành quả của Nhà nước dành cho các nhà sản xuất và thương mại Việt Nam, do vậy, không thể chia sẻ hay đánh mất các ưu đãi và lợi thế từ FTA vào tay nhà sản xuất nước ngoài. Để làm được việc này, cơ quan hải quan cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý, cơ quan cấp xuất xứ hàng hoá cũng như sự lên tiếng của các nhà sản xuất trong nước nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình”.

Chuyên đề