Ông Trần Hoàng Anh, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Năng lượng môi trường EB (Cần Thơ)
Sau 5 năm vận hành, Nhà máy đã xử lý 870.000 tấn rác, tương đương với 2 triệu khối rác; phí xử lý rác tính đến tháng 9/2023 khoảng 348 tỷ đồng. Tuy nhiên, có một số khó khăn, vướng mắc phát sinh, tuy không lớn nhưng cũng gây phiền toái cho doanh nghiệp.
Về đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ Điều 5 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa yêu cầu chủ đầu tư phải nộp tiền bảo hộ phát triển đất trồng lúa. Số tiền không nhiều nhưng cũng khiến nhà đầu tư băn khoăn.
Một vấn đề khác là hợp đồng ký cố định 5 năm đầu tiên vận hành giá xử lý rác cố định là 362.000 đồng/tấn, sau 5 năm điều chỉnh giá theo công thức quy định tại hợp đồng. Sau 5 năm, trượt giá nhiều, theo công thức tính toán điều chỉnh tăng khoảng 30.000 đồng/tấn, thực chất không phải tăng giá mà để phù hợp với tỷ lệ trượt giá, nhưng việc điều chỉnh giá phải theo quy trình phức tạp, dù hợp đồng đã có điều khoản rõ ràng.
Đặc biệt, thay đổi về mặt chính sách có nguy cơ ảnh hưởng đến hợp đồng. Cụ thể, quy định tại Thông tư 02/2022/BTNMT quy định chi phí xử lý rác thải sinh hoạt phải trừ đi doanh thu từ việc bán sản phẩm thu hồi sau quá trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt (điện, tro xỉ, tín chỉ cacbon). Trong khi, 1 tấn rác nhà đầu tư được tính phí xử lý là 362.000 đồng, không đủ chi phí vận hành, lãi vay, phải thu từ nguồn khác để bù trừ.
Bên cạnh đó, đối với đấu thầu nhà máy xử lý chất thải rắn nói chung, nhiều địa phương vẫn loay hoay bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư. Chúng tôi rất mong Bộ Tài nguyên và Môi trường và cơ quan liên quan đưa ra bộ tiêu chí khung để các địa phương tham khảo, nhất là khung giá, giá trần bao nhiêu, điều chỉnh giá bao nhiêu lâu một lần…