Chính sách đấu thầu sẽ hoàn thiện hơn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2022, một số chính sách mới về đấu thầu sẽ có hiệu lực. Cùng với đó nhiều quy định đấu thầu cũng đang được cập nhật, sửa đổi, bổ sung. Điều này dự kiến sẽ có những tác động tích cực đến hoạt động đấu thầu trong năm mới này.
Thực tiễn hoạt động mua sắm, đấu thầu phát sinh nhiều tình huống đòi hỏi phải sửa đổi bổ sung quy định cho phù hợp. Ảnh: Tường Lâm
Thực tiễn hoạt động mua sắm, đấu thầu phát sinh nhiều tình huống đòi hỏi phải sửa đổi bổ sung quy định cho phù hợp. Ảnh: Tường Lâm

Nhằm tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh thực hiện các chính sách, pháp luật về đấu thầu, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu ở Trung ương, ngày 16/11/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 09/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và dự án đầu tư có sử dụng đất. Thông tư số 09/2021/TT-BKHĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Theo đánh giá, việc ban hành Thông tư số 09/2021/TT-BKHĐT cùng với một số văn bản pháp luật liên quan như Luật PPP, Nghị định số 35/2021/NĐ-CP, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP… sẽ tạo dựng khung pháp lý cao, đồng bộ, ổn định cho việc thu hút đầu tư của khu vực tư nhân tham gia thực hiện các dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; đồng thời nâng cao tính minh bạch, cạnh tranh, hiệu quả kinh tế trong việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất và dự án PPP.

Năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, tham mưu và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 23/11/2021 về việc đẩy mạnh triển khai thi hành văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Theo Chỉ thị số 30/CT-TTg, trong năm 2022, nhiều Bộ sẽ ban hành các thông tư hướng dẫn chi tiết liên quan. Điều này sẽ khắc phục được các tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thi hành một số văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Việc xây dựng, ban hành nhiều chính sách đấu thầu cập nhật, bổ sung của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các Bộ, ngành liên quan thời gian qua cũng như sắp tới sẽ góp phần vào xây dựng khung pháp lý cao, thống nhất, đồng bộ, hạn chế rủi ro về mặt thay đổi chính sách để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn nhà nước thông qua đấu thầu.

Cụ thể, quý I/2022, Bộ Giao thông vận tải phải ban hành Thông tư hướng dẫn về dự án PPP lĩnh vực giao thông và các dự án xây dựng, kinh doanh công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không...; Bộ Công Thương ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các dự án năng lượng tái tạo, thủy điện...; Bộ Xây dựng ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các dự án cung cấp nước sạch đô thị...; Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn thực hiện các dự án kinh doanh cá cược bóng đá quốc tế, đua chó, đua ngựa...

Vào quý II/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hướng dẫn thực hiện dự án sản xuất nước sạch nông thôn; Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư hướng dẫn về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng và kinh doanh sân golf; Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn dự án PPP trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải, chất thải...

Theo kế hoạch, quý III/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng kết, đánh giá việc thực hiện đầu tư theo phương thức PPP, trên cơ sở đó, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để phát huy vai trò dẫn dắt của đầu tư công, kích hoạt, huy động mọi nguồn lực xã hội...

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2020/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện đấu thầu mua sắm theo Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để hướng dẫn thực hiện đấu thầu mua sắm theo CPTPP, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) - gọi tắt là Nghị định sửa đổi. Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện nội dung Dự thảo Thông tư quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của CPTPP, EVFTA, UKVFTA và Thông tư quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu xây lắp đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của CPTPP, EVFTA, UKVFTA.

Sau khi Nghị định sửa đổi và Thông tư hướng dẫn được ban hành sẽ bổ sung những nội dung phải tuân thủ khi lựa chọn nhà thầu trong EVFTA và UKVFTA nhưng chưa được quy định trong Nghị định số 95/2020/NĐ-CP, bảo đảm thống nhất và đồng bộ với nội dung cam kết theo các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực. Điều này bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật. Nghị định sửa đổi có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo khuôn khổ pháp lý để thực thi đầy đủ, có trách nhiệm cam kết về đấu thầu của Việt Nam tại các hiệp định: EVFTA và UKVFTA, tạo điều kiện cho nhà thầu trong nước cũng như từ các nước thuộc Liên minh châu Âu, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len tìm hiểu quy định một cách dễ dàng, bảo đảm môi trường đấu thầu cạnh tranh, minh bạch. Đồng thời góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và hiệu quả các cam kết và nghĩa vụ của Việt Nam khi tham gia CPTPP, EVFTA, UKVFTA.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một chuyên gia cho biết, với việc xây dựng, ban hành nhiều chính sách đấu thầu cập nhật, bổ sung của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các Bộ, ngành liên quan thời gian qua cũng như sắp tới sẽ góp phần vào xây dựng khung pháp lý cao, thống nhất, đồng bộ, hạn chế rủi ro về mặt thay đổi chính sách để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn nhà nước thông qua đấu thầu. Từ đó góp phần tạo môi trường bình đẳng, cạnh tranh, minh bạch trong mua sắm công; thúc đẩy sản xuất trong nước; thúc đẩy sản xuất gắn liền với tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; thực thi tốt các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tăng cường hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật về mua sắm công, mua sắm Chính phủ tại Việt Nam.

Chuyên đề