Dàn xe tăng Triều Tiên tham gia lễ duyệt binh kỷ niệm sinh nhật cố lãnh đạo Kim Nhật Thành hôm 15/4. Ảnh:AP
Nhà sử học nghiên cứu chiến tranh Triều Tiên nổi tiếng nhất Trung Quốc Thẩm Chí Hoa, bằng giọng điệu thẳng thừng hiếm thấy, cho rằng Bắc Kinh về cơ bản đã mắc sai lầm trong chính sách đối với bán đảo Triều Tiên. Quan điểm của ông khiến không ít người cảm thấy ngạc nhiên, theo New York Times.
Trung Quốc nên ngả về Hàn Quốc
Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông từng so sánh mối quan hệ Trung - Triều giống như "môi hở răng lạnh". Tuy nhiên, trong bài giảng tại một trường đại học ở thành phố Đại Liên hồi tháng trước, nhà sử học Thẩm Chí Hoa lại nói Trung Quốc nên ngả về phía Hàn Quốc và từ bỏ những câu chuyện huyễn hoặc đã giúp củng cố sự ủng hộ của nước này với Triều Tiên từ xưa cũ.
"Nếu đánh giá tình hình hiện tại, Triều Tiên là đối thủ tiềm tàng, còn Hàn Quốc có thể là bạn với Trung Quốc", ông Thẩm nói, theo một bản chép bài thuyết giảng của ông được đăng trên mạng. "Chúng ta phải thấy rõ rằng Trung Quốc và Triều Tiên không còn là chiến hữu và trong ngắn hạn, không có triển vọng cải thiện mối quan hệ Trung-Triều".
Cây bút Chris Buckley từ New York Times nhận định bài giảng ông Thẩm đưa ra là một tiếng nói thách thức công khai và bạo dạn rất đáng chú ý, bởi thực tế là Trung Quốc vốn dĩ không sẵn sàng mạo hiểm cắt đứt quan hệ với Triều Tiên dù rằng chương trình hạt nhân nước này theo đuổi đang gây căng thẳng ở Đông Bắc Á cũng như những khu vực bên ngoài khác. Quan điểm của ông Thẩm đã một lần nữa thổi bùng lên cuộc tranh luận về việc liệu chính phủ Trung Quốc có nên từ bỏ chính sách bảo trợ lâu nay dành cho Triều Tiên hay không.
"Lập trường truyền thống của Trung Quốc xem Mỹ là mối đe dọa lớn hơn nhiều so với Triều Tiên. Nhưng những người ủng hộ thay đổi cũng lên tiếng mạnh mẽ. Họ lập luận rằng Triều Tiên là một gánh nặng ngày càng lớn", Bonnie S. Glaser, chuyên gia chính sách đối ngoại Trung Quốc từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết.
Suốt nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã cố gắng giữ gìn mối quan hệ với Triều Tiên như là một đối tác hay một tấm lá chắn chiến lược ở Đông Bắc Á ngay cả khi các lãnh đạo Triều Tiên hiện trở nên khó đoán hơn trước. Dù vậy, những năm gần đây, Trung Quốc cũng cố gắng xoa dịu Mỹ, xây dựng quan hệ thương mại và chính trị với Hàn Quốc, đồng thời phần nào góp tiếng nói giúp kiềm chế chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên.
Nhưng khi Triều Tiên vẫn liên tục nâng cấp tên lửa và đầu đạn hạt nhân, mở ra khả năng một ngày nào đó, nước này có thể tấn công Mỹ, cách tiếp cận trung gian của Trung Quốc ngày càng nguy hiểm.
Triều Tiên duyệt binh kỷ niệm sinh nhật lãnh tụ
Triều Tiên cuối tuần trước không tiến hành thử hat nhân lần thứ 6 như đồn đoán và vụ thử tên lửa của nước này hôm 16/4 cũng thất bại. Nhưng những lần thử tiếp theo dường như chỉ là vấn đề thời gian.
Trước những căng thẳng đang gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thúc ép Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gây áp lực mạnh hơn lên Bình Nhưỡng.
"Thời kỳ kiên nhẫn chiến lược đã qua", Phó tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố trong cuộc họp báo ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc, ngày 17/4.
"Tổng thống và tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng Trung Quốc sẽ xử lý đúng đắn vấn đề Triều Tiên nhưng nếu Trung Quốc không thể xử lý, Mỹ và các đồng minh sẽ làm", ông Pence nhấn mạnh.
Trung Quốc đã ngưng nhập khẩu than từ Triều Tiên từ tháng 2/2017, cắt đi một nguồn thu quan trọng của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, Trung Quốc nhất quyết không cắt đứt giao thương với Triều Tiên và cuộc tranh cãi về việc làm thế nào để cân bằng quan hệ với giữa Bình Nhưỡng, Seoul và Washington đang trở nên gay gắt hơn, cây bút Chris Buckley bình luận.
Phó tổng thống Mỹ chỉ trích Triều Tiên 'khiêu khích'
Tranh cãi về THAAD
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp hồi đầu tháng ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, bang Florida, Mỹ. Ảnh:New York Times
Bắc Kinh phản đối quyết liệt kế hoạch của Washington triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc vì lo ngại nó có thể được dùng để do thám Trung Quốc. Song một số chuyên gia Trung Quốc hiện chỉ trích việc Bắc Kinh thả lỏng làn sóng chống Hàn Quốc ở trong nước, cho rằng điều này sẽ phản tác dụng.
Global Times, phụ san của tờ People’s Daily, cơ quan ngôn luận đảng Cộng sản Trung Quốc, hồi cuối tuần trước cảnh báo Triều Tiên sẽ phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn nếu tiến hành thêm bất kỳ vụ thử hạt nhân mới nào. Hôm 17/4, Global Times lặp lại cảnh báo trên và kêu gọi Trung Quốc cắt hầu hết nguồn cung cấp dầu cho Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng thử hạt nhân.
Ông Thẩm đi xa hơn những học giả khác khi kêu gọi cài đặt lại quan hệ với Triều Tiên.
"Các lợi ích cơ bản của Trung Quốc và Triều Tiên đang trái ngược nhau. Lợi ích cơ bản Trung Quốc nên hướng tới là đạt được sự ổn định ở khu vực biên giới và phát triển ra bên ngoài. Tuy nhiên, vì Triều Tiên nắm trong tay vũ khí hạt nhân nên vùng biên giới Trung Quốc sẽ không bao giờ ổn định. Bởi vậy mới xảy ra tình trạng lợi ích giữa Trung Quốc và Triều Tiên đối chọi nhau", ông Thẩm nhận xét.
Ông cho rằng hành động phản đối của Trung Quốc trước hệ thống THAAD là thất sách, chỉ khiến công luận Hàn Quốc căm ghét Trung Quốc một cách vô ích. Nhưng quan điểm ông Thẩm nêu lên đã chọc giận những người theo phái chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Họ cáo buộc ông bán rẻ đồng minh của Trung Quốc.
Chỉ trích Triều Tiên
Một chốt gác của Triều Tiên nằm gần biên giới với Trung Quốc. Ảnh:AFP
Trước đây, các bài báo chỉ trích Triều Tiên ở Trung Quốc luôn bị kiểm duyệt. Năm 2004, một tạp chí về chính sách có tầm ảnh hưởng ở Trung Quốc bị đóng cửa sau khi đăng bài viết chỉ trích Triều Tiên.
Năm 2013, ông Đặng Duật Văn, phó tổng biên tập một tờ báo ở Bắc Kinh, bị đình chỉ chức vụ vì đề xuất Trung Quốc ngừng ủng hộ Triều Tiên.
Theo giáo sư Thẩm, việc quan điểm ông đưa ra không bị "sờ gáy" cho thấy chính phủ Trung Quốc hiện tại có lẽ đã sẵn sàng chấp nhận chỉ trích Triều Tiên mạnh mẽ hơn.
"Nhiều người hỏi tôi 'thầy Thẩm, sao bài giảng của thầy không bị gỡ xuống'", ông Thẩm nói trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với New York Times. "Điều đó cho thấy vẫn có những quan điểm khác nhau về vấn đề Triều Tiên. Việc thiết lập chính sách phụ thuộc vào bộ máy lãnh đạo trung ương nhưng ít nhất bây giờ, bạn có thể công khai nêu ra các quan điểm khác nhau trong khi trước đây, bạn không thể", ông nhấn mạnh.
Dù vậy, theo chuyên gia Glaser, ít khả năng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ cho phép những tiếng nói chỉ trích Triều Tiên được truyền đi thoải mái.
Sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc hồi đầu tháng, Tổng thống Mỹ Trump đoán rằng dường như ông Tập đã sẵn sàng gây sức ép với Bình Nhưỡng. Nhưng Trung Quốc sau đấy đã lấy lại thăng bằng cho cán cân bằng cách thúc ép Mỹ nhất trí tiến đến đàm phán với Triều Tiên và ngưng các cuộc tập trận lớn với Hàn Quốc.
Hôm 17/4, tại Seoul, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đưa ra khả năng đàm phán với Triều Tiên, đồng thời lưu ý rằng Washington đang tìm kiếm các giải pháp an ninh "thông qua những phương thức hòa bình, đàm phán".
Song ông Thẩm thừa nhận việc đổi hưởng chính sách đối với Triều Tiên cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Nếu hợp tác chính trị giữa Bắc Kinh và Washington không thể kiềm chế Bình Nhưỡng, đôi bên có lẽ sẽ phải bắt tay trong một phản ứng quân sự, ông cho hay.