Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu trước cử tri. Ảnh: VGP |
Tại phiên thảo luận của UBTVQH về Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về việc đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức Hợp đồng Xây dựng-Kinh doanh-Chuyển giao (BOT), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, sau khi UBTVQH có chương trình giám sát chuyên đề về đầu tư theo hình thức BOT ngành giao thông, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan, các địa phương nghiêm túc báo cáo trên tinh thần khách quan, trung thực để làm rõ những mặt được, cũng như những tồn tại, hạn chế, vướng mắc của việc đầu tư phát triển hạ tầng theo hình thức đối tác công-tư (PPP) nói chung, Hợp đồng BOT nói riêng.
“Việc thực hiện giám sát chuyên đề của UBTVQH về thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT là cần thiết và kịp thời”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Kết quả giám sát cũng đã khẳng định chủ trương huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức BOT là đúng đắn, hiệu quả. Đồng thời cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế đó.
Đặc biệt, Báo cáo giám sát đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong xây dựng chiến lược, quy hoạch, đặc biệt là kế hoạch hóa quy trình đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, để phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của đất nước, trong đó có cả việc lựa chọn các dự án đầu tư ưu tiên còn chưa hợp lý; những tồn tại từ khâu chuẩn bị đầu tư (công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án) đến công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, xác định tổng mức đầu tư để làm cơ sở tính giá phí; việc lựa chọn nhà đầu tư (vẫn chủ yếu là chỉ định thầu); công tác huy động vốn; khâu thực hiện đầu tư (thời gian kéo dài, chất lượng một số công trình thấp); công tác khai thác, vận hành công trình (việc xác định vị trí các trạm thu phí chưa hợp lý, gây bức xúc cho người dân; việc định giá phí còn cao…).
Phó Thủ tướng nêu ví dụ cụ thể về việc đầu tư xây dựng, việc doanh nghiệp đặt trạm thu phí chưa hợp lý tại cầu Hạc Trì, Phú Thọ, gây ra bức xúc trong dư luận.
“Chất lượng cầu Hạc Trì cũ còn tốt, khi đầu tư xây dựng cầu mới thì ngăn không cho người dân đi cầu cũ nữa. Câu hỏi đặt ra là đã thực sự cần thiết phải đầu tư cầu mới chưa? Nếu cầu cũ kém chất lượng, vậy trách nhiệm là của ai?”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhất trí cao với những nguyên nhân các tồn tại, hạn chế đã được Báo cáo giám sát của UBTVQH chỉ ra. Đó là: Hệ thống cơ sở pháp luật về đầu tư xây dựng theo hình thức PPP nói chung, hợp đồng BOT nói riêng chưa hoàn thiện; việc phối hợp thực hiện để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc còn chưa hiệu quả; còn thiếu kinh nghiệm trong quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng theo hình thức BOT; việc kiểm soát quá trình đầu tư xây dựng đến khai thác, sử dụng còn thiếu chặt chẽ; năng lực, kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp của các nhà đầu tư còn nhiều hạn chế. Nhiều nhà đầu tư thiếu vốn, nên chủ yếu dựa vào nguồn vốn ngân hàng; nguồn lực của Nhà nước cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn.
Phó Thủ tướng cho biết, ngay từ khi có dư luận bức xúc về các dự án đầu tư theo hình thức BOT, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan và các địa phương phải đánh giá lại các dự án giao thông BOT (có sự tham gia của Kiểm toán Nhà nước) để chỉ rõ những mặt được, tồn tại hạn chế, những giải pháp khắc phục của hình thức này.
Các bộ, ngành đã khẩn trương tính toán lại và rà soát quyết toán của tất cả các dự án để tính lại thời gian thu phí, đến nay đã thực hiện xong với 54 dự án; rà soát lại toàn bộ hệ thống trạm thu phí để xử lý những bất cập, bố trí lại một số trạm thu phí cho hợp lý hơn. Chính phủ đã chỉ đạo triển khai thí điểm các trạm thu phí không dừng trên Quốc lộ 1A, Quốc lộ 14 để triển khai mở rộng.
Cùng với đó, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành nhanh chóng rà soát để hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng theo hình thức PPP. Cụ thể, sửa Nghị định về Hợp tác PPP, Nghị định về Lựa chọn nhà đầu tư Thông tư của Bộ Tài chính; Ban hành Thông tư của Bộ GTVT về các quy định trạm thu phí.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP
Lựa chọn chính xác các dự án ưu tiên đầu tư
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết Chính phủ sẽ tập trung thực hiện hàng loạt giải pháp nhằm khắc phục hiệu quả những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, đồng thời phát huy hiệu quả của hình thức hợp đồng BOT trong phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng.
Theo đó, nhiệm vụ đầu tiên là phải tập trung rà soát lại chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của từng lĩnh vực (đường sắt, đường bộ, đường thuỷ, hàng không…) của quốc gia, khu vực, thậm chí của các địa phương. Từ đó, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, cập nhật các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch cho phù hợp với yêu cầu CNH-HĐH đất nước cũng như phù hợp với nguồn lực của nền kinh tế trong từng giai đoạn.
“Việc kế hoạch hóa đầu tư đang là khâu yếu nhất hiện nay, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến đầu tư phong trào, tràn lan, dàn trải, gây lãng phí nguồn lực”, Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện thể chế về đầu tư xây dựng (trong đó có nhiều luật liên quan như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật GTVT, Luật Bảo vệ môi trường…). Đặc biệt là cần nhanh chóng xây dựng, ban hành Luật Đối tác công-tư để tạo hành lang pháp lý, môi trường thuận lợi để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Việc lựa chọn chính xác các dự án ưu tiên về phát triển kết cầu hạ tầng giao thông để đầu tư trong giai đoạn từ nay đến 2020 và chuẩn bị cho giai đoạn 2020-2030 cũng sẽ là một trong những nội dung cần tập trung triển khai.
“Từ nay đến 2020, phải cơ bản hoàn thành các tuyến cao tốc quan trọng từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Từ 2020-2025 có thể làm một số đoạn ưu tiên của đường sắt tốc độ cao; sân bay quốc tế Long Thành. Cần phải xác định rõ thứ tự ưu tiên”, Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, việc đầu tư hạ tầng đường sắt, đường thủy bằng hình thức BOT rất khó thu hồi vốn, các nhà đầu tư không mấy “mặn mà”. Thực tế đa số các nước đầu tư hạ tầng đường sắt đều dùng vốn Nhà nước. Hình thức BOT có thể phù hợp khi đầu tư thiết bị (toa xe, đầu máy…); khai thác, vận hành hệ thống. Tương tự như vậy, đầu tư hạ tầng đường thủy nội địa cũng rất khó thu hồi vốn. Việc đầu tư hệ thống cảng biển cũng cần có vốn Nhà nước, bên cạnh phần vốn doanh nghiệp. Với ngành hàng không, việc đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ, các công trình bảo đảm an toàn bay… nhất định phải dùng vốn Nhà nước. Doanh nghiệp có thể đầu tư xây dựng nhà ga, bãi đỗ xe và các công trình dịch vụ khác.
Một nhóm giải pháp khác cũng được Chính phủ ưu tiên chỉ đạo thực hiện là tăng cường kiểm soát chất lượng các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông vận tải từ khâu lập, thẩm định, quyết định đầu tư đến thực hiện đầu tư, khai thác…
“Yêu cầu đặt ra là phải tính đúng, tính đủ tổng mức đầu tư của từng dự án để làm cơ sở đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, cơ sở để tính giá phí, bố trí trạm thu phí, thời gian thu phí… Nếu tính đúng, tính đủ thì sẽ có mức giá hợp lý, từ đó bảo đảm được quyền lợi của Nhà nước, nhà đầu tư và đặc biệt là lợi ích của người dân”, Phó Thủ tướng phân tích.
Bên cạnh đó, phải công khai minh bạch trong việc lựa chọn nhà đầu tư. Chính phủ yêu cầu phải đầu thầu công khai để lựa chọn các nhà đầu tư đủ năng lực, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu triển khai thực hiện dự án.
Xây dựng cơ chế để huy động các nguồn vốn đầu tư. Các nhà đầu tư nước ngoài khi quan tâm đầu tư các dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, ngoài tiêu chí chính sách, môi trường đầu tư phải minh bạch, rõ ràng, thương yêu cầu Chính phủ phải bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh vay vốn … Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, đây đều là các yêu cầu “quá sức” bởi quy định pháp luật hiện nay chưa cho phép, do đó doanh nghiệp cũng chưa thực sự “say”, thực sự mong muốn đầu tư dù nhìn thấy cơ hội. Để “tháo” điểm nghẽn này, kiến nghị Quốc hội cho thí điểm các chính sách để có thể thu hút các nhà đầu tư lớn của nước ngoài.
Ngoài ra, cần hoàn thiện chính sách huy động vốn của các tổ chức tín dụng cho phát triển hạ tầng giao thông; các chính sách đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước để hỗ trợ cho việc giảm thời gian thu phí của các dự án.
Chính phủ cũng sẽ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường việc kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện đầu tư; các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; quy hoạch các mỏ vật liệu xây dựng cho các dự án; có giải pháp hiệu quả để kiểm soát chất lượng công trình; quản lý tốt công tác khai thác, sử dụng các công trình giao thông bằng hình thức BOT; quản lý việc thu phí, kiểm soát giá phí phù hợp; xử lý kịp thời tranh chấp giữa người dân và đầu tư.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có các quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng bằng hình thức BOT, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể của từng tổ chức, cá nhân liên quan.
“Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, ủng hộ, thường xuyên giám sát, kiểm tra để từ đó Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế nhằm kịp thời đưa ra các giải pháp khắc phục hiệu quả”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.