Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen đang lo ngại về nguy cơ hết tiền của Chính phủ nước này nếu trần nợ quốc gia không sớm được nâng - Ảnh: Reuters. |
Chính phủ Mỹ vỡ nợ là một chuyện mà ít người có thể hình dung, nhưng trong những năm gần đây Washington đã vài lần đối mặt nguy cơ hết tiền.
Nếu xảy ra, việc vỡ nợ của nước Mỹ sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ chao đảo, hàng triệu người dân của nước này sẽ khốn đốn theo.
“Sự trì hoãn nâng trần nợ liên bang sẽ đặt ra câu hỏi về khả năng của Chính phủ liên bang trong việc thực thi đầy đủ nghĩa vụ, từ đó gây ra thiệt hại không thể khắc phục đối với kinh tế”.
Dù Chính phủ Mỹ đã có những lần thoát hiểm vỡ nợ trong gang tấc, song cơn “ác mộng” này lại đang trở lại: nếu Quốc hội Mỹ không nâng trần nợ liên bang, ngân khố Chính phủ nước này nhiều khả năng sẽ cạn kiệt vào tháng tới, đồng nghĩa với một cuộc vỡ nợ cấp quốc gia chưa từng có tiền lệ. Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ này ngày 8/9 vừa qua.
CẢNH BÁO VỀ “NGÀY TẬN THẾ TÀI CHÍNH”
Trong một lá thư gửi Quốc hội, bà Yellen nói lịch sử đã cho thấy rằng việc đợi “cho tới phút chót” mới đình chỉ hoặc nâng trần nợ quốc gia “có thể gây tổn hại nghiêm trọng” niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng, làm gia tăng chi phí vay nợ đối với người dân, và ảnh hưởng tiêu cực đến định hạng tín nhiệm của Mỹ.
Trong trường hợp Washington vỡ nợ, trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ bị bán tháo, lãi suất sẽ tăng vọt, thị trường chứng khoán suy sụp, tài khoản lương hưu của người Mỹ “bốc hơi”, giá trị của đồng USD và uy tín tài chính của siêu cường số 1 thế giới sẽ sứt mẻ.
“Đó sẽ là ngày tận thế tài chính”, chuyên gia kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody’s Analytics nói với hãng tin CNN. “Riêng việc nghiền ngẫm ý tưởng không trả nợ quốc gia đúng hạn đã là một chuyện hoàn toàn điên rồ”.
Nhưng trên thực tế, các nghị sỹ ở Washington đang chơi trò mạo hiểm với uy tín trả nợ của nước Mỹ. Bởi vậy, con đường tới việc nâng trần nợ vẫn chưa có gì rõ ràng. Trong những cuộc khủng hoảng trần nợ trước đây, Quốc hội Mỹ - thường là vào phút chót - vẫn đạt nhất trí nâng trần nợ với sự ủng hộ của cả hai đảng. Tuy nhiên, hồi tháng 7, thủ lĩnh phe thiểu số tại Thượng viện Mỹ, nghị sỹ Cộng hoà Mitch McConnell thề rằng phe Cộng hoà sẽ không bỏ phiếu để nâng trần nợ quốc gia.
Giới tài chính Mỹ đã bày tỏ quan điểm lo ngại. CEO Jamie Dimon của Ngân hàng JPMorgan Chase đã kêu gọi các nghị sỹ đừng nghĩ đến việc đem trần nợ công ra thách đố nhau lần nữa. Trong một cuộc điều trần hồi tháng 5, ông Dimon nói một vụ vỡ nợ thực sự của nước Mỹ “có thể gây ra một thảm hoạ tức thì, ở cấp độ không thể tin được và với tổn hại kéo dài cả trăm năm đối với nước Mỹ”.
Uy tín trả nợ của Mỹ vốn được xem là một nền tảng vững chắc của hệ thống tài chính toàn cầu. “Nước Mỹ luôn trả nợ đầy đủ và đúng thời hạn. Đó là điểm khác biệt giữa nước Mỹ với hầu như tất cả mọi quốc gia khác trên thế giới”, ông Zandi nói.
Nhờ uy tín cao, Chính phủ Mỹ phải trả lãi suất rất thấp khi vay nợ bằng việc phát hành trái phiếu. Một vụ vỡ nợ sẽ buộc cắt giảm định hạng tín nhiệm của Chính phủ Mỹ, đồng nghĩa Washington không còn giữ được lợi thế đó khi đi vay nữa. Vào năm 2011, thị trường tài chính đã chao đảo khi hai đảng Dân chủ và Cộng hoà đối đầu nhau về trần nợ, buộc tổ chức đánh giá tín nhiệm Standard & Poor’s hạ điểm tín nhiệm của Mỹ.
NHỮNG HỆ LỤY ĐÁNG SỢ
Nếu Chính phủ Mỹ vỡ nợ, trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ bị bán tháo, lợi suất sẽ tăng vọt, khiến Washington khó vay mượn hơn để đầu tư cho cơ sở hạ tầng và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, hay ứng phó với các cuộc suy thoái kinh tế trong tương lai. Ngoài ra, việc đảo “núi” nợ 29 nghìn tỷ USD hiện nay của Chính phủ Mỹ cũng sẽ trở nên đắt đỏ hơn rất nhiều. Trong năm 2020, tiền lãi phải trả cho số nợ này là 345 tỷ USD, gần ngang với số tiền mà Mỹ chi cho quốc phòng.
Khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, một phản ứng dây chuyền sẽ xuất hiện trên thị trường tài chính. Đó là bởi trái phiếu kho bạc Mỹ - một tài sản được xem là không có rủi ro nhờ được hậu thuẫn bởi uy tín của Chính phủ liên bang Mỹ - giữ vai trò tiêu chuẩn cho hầu như tất cả các chứng khoán khác. Từ cổ phiếu và trái phiếu cho tới các chứng khoán phái sinh, tất cả đều lấy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ làm mốc tham chiếu. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt trong trường hợp Washington vỡ nợ sẽ khiến các thị trường suy sụp. “Giá cổ phiếu sẽ cắm đầu mà rơi. Tất cả chúng ta sẽ nghèo đi ngay lập tức”, ông Zandi nói.
Không chỉ hàng triệu người Mỹ mất tiền trên thị trường chứng khoán, mà đột nhiên các hộ gia đình và doanh nghiệp ở nước này phải vay vốn với lãi suất tăng vọt. Đó là bởi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng là mốc tham chiếu cho lãi suất các khoản vay thế chấp nhà, vay mua xe, thẻ tín dụng, và trái phiếu doanh nghiệp. Lãi suất tăng rõ ràng là một thách thức lớn đối với một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào vay nợ như Mỹ.
Nếu trần nợ không được nâng, về mặt kỹ thuật, Chính phủ Mỹ sẽ vỡ nợ đối với một số nghĩa vụ nợ. Chính phủ Mỹ sẽ buộc phải xếp các khoản thanh toán nợ theo thứ tự ưu tiên, quyết định xem chủ nợ nào được trả trước và ai phải đợi. Sẽ có người phải đợi để được thanh toán, có thể là công chức liên bang, cựu chiến binh, người nhận tiền an sinh xã hội, hoặc các nhà thầu quốc phòng…
Vì tất cả những lý do này, các nhà đầu tư không mấy sợ hãi về vấn đề trần nợ, bởi họ tin chắc rằng Quốc hội Mỹ kiểu gì rồi cũng phải nâng trần nợ, như đã từng trong mỗi lần bế tắc trước đây. Đơn giản bởi nếu trần nợ không được nâng, mọi chuyện sẽ trở nên quá nguy hiểm.
BAO GIỜ TRẦN NỢ ĐƯỢC NÂNG
Vấn đề hiện nay nằm ở chỗ thời điểm chính xác khi nào trần nợ được nâng vẫn chưa rõ ràng.
Hồi cuối tháng 7, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự báo nếu trần nợ không được nâng, Bộ Tài chính Mỹ có thể cạn tiền và mất khả năng thanh toán một số khoản nợ vào một thời điểm nào đó trong ba tháng cuối năm nay, rất có thể vào tháng 10 hoặc tháng 11. Tuy nhiên, thời điểm gọi là “ngày X” đó có thể xê dịch, tuỳ thuộc vào số tiền thuế thu được.
Hiện tại, Bộ Tài chính Mỹ đang triển khai một số biện pháp nhằm tránh vỡ nợ. Nhưng đây đều không phải là giải pháp lâu dài, và trần nợ kiểu gì cũng phải được nâng mới có thể tránh một thảm hoạ tài chính. “Đến lúc các biện pháp không còn tác dụng và tiền mặt cạn kiệt, thì nước Mỹ sẽ lần đầu tiên trong lịch sử mất khả năng thực hiện các nghĩa vụ nợ”, bà Yellen cảnh báo, và cho biết điều tồi tệ này có thể xảy ra trong tháng 10.
Điều đáng nói là cuộc tranh cãi về trần nợ trong Quốc hội Mỹ diễn ra vào một thời điểm không mấy thuận lợi đối với kinh tế Mỹ. Biến chủng Delta của Covid-19 đang khiến sự phục hồi kinh tế Mỹ chậm lại, thể hiện rõ qua sự giảm tốc mạnh của thị trường việc làm nước này trong tháng 8 vừa qua. Ngoài ra, lạm phát vẫn đang ở mức cao do các công ty chật vật ứng phó với các nút thắt trong chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu nhân công khi nền kinh tế mở cửa trở lại.
“Chơi trò chính trị với trần nợ luôn là một ý tưởng xấu”, ông Isaac Boltansky, Giám đốc nghiên cứu chính sách thuộc Compass Point Research & Trading, nhận xét. “Việc này càng trở nên ngớ ngẩn hơn xét đến việc chúng ta đang phải ứng phó với virus”.
Nói cách khác, ngay một cuộc khủng hoảng trần nợ - chứ đừng nói gì đến một vụ vỡ nợ thực sự - là điều không nên có đối với kinh tế Mỹ vào thời điểm này.