Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật. Ảnh: VGP |
Đó là dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường; dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt;
Tờ trình về đề nghị xây dựng dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi); tờ trình về đề nghị xây dựng Nghị định quy định về công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt của Nhà nước; tờ trình về đề nghị xây dựng Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.
Báo cáo tổng hợp kết quả rà soát và đề xuất của các bộ, cơ quan và ý kiến thẩm tra về đề nghị xây dựng các dự án luật để sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh và quy hoạch; báo cáo về việc rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đầu tư công được giao tại Nghj quyết 61/NQ-CP của Chính phủ; báo cáo tóm tắt về kết quả rà soát điều kiện đầu tư kinh doanh của VCCI và Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng nêu rõ, một trong những điểm nghẽn đối với sự phát triển được Đảng xác định là thể chế. Vừa qua, Chính phủ đã nỗ lực xây dựng, trình Quốc hội thông qua nhiều văn bản pháp luật. Tuy nhiên, theo Thủ tướng, điều đó mới đáp ứng một phần yêu cầu phát triển đất nước. Vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập trong việc xây dựng thể chế, pháp luật. “Chính điểm nghẽn đó nên Chính phủ tập trung vào thể chế”, Thủ tướng nhấn mạnh. Trong các phiên họp Chính phủ thường kỳ hằng tháng, phần đầu luôn tập trung vào công tác xây dựng thể chế, “nhưng vẫn làm không hết”. Do đó, Chính phủ tổ chức họp chuyên đề về xây dựng pháp luật.
Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận về 9 nội dung nêu trên, trong đó lường hết các vấn đề, bất cập trong quá trình xây dựng luật.
“Chúng ta phải gỡ ra dần để thể chế pháp luật, chính sách của chúng ta sát hơn nữa với cuộc sống, với tinh thần kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, Thủ tướng nhấn mạnh.