Chính phủ Đức giải cứu công ty khí đốt Uniper

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chính phủ Đức đã vào cuộc để giải cứu Uniper với khoản cứu trợ trị giá 15 tỷ Euro (tương đương 15,28 tỷ USD) sau khi công ty nhập khẩu khí đốt khổng lồ này trở thành “nạn nhân” lớn nhất của cuộc chiến năng lượng giữa châu Âu và Nga.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Đây là một trong những vụ giải cứu lớn nhất trong lịch sử doanh nghiệp Đức. Theo đó, chính phủ nước này sẽ nắm 30% cổ phần trong Uniper, giảm tỷ lệ sở hữu của công mẹ đặt trụ sở tại Hà Lan là Fortum xuống còn 56% (từ gần 80% trước đó), sau nhiều tuần đàm phán cam go giữa các bên liên quan.

Vụ giải cứu Uniper cho thấy, xung đột Nga - Ukraine có tác động lớn như thế nào đến các quốc gia ở khu vực châu Âu, khi các nước ở khu vực này phải vật lộn với giá năng lượng tăng vọt và nguy cơ khan hiếm khí đốt trong những tháng tiêu thụ cao điểm vào mùa đông.

“Chúng ta đang sống trong một cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có tiền lệ, đòi hỏi những biện pháp mạnh mẽ”, CEO Markus Rauramo của Fortum phát biểu và nói thêm rằng, thoả thuận giải cứu Uniper phản ánh lợi ích của tất cả các bên.

Theo thỏa thuận, chính phủ Đức sẽ mua 157 triệu cổ phiếu phổ thông mới của Uniper với giá 267 triệu Euro, đồng thời hỗ trợ khoản vốn lên tới 7,7 tỷ Euro thông qua phát hành trái phiếu chuyển đổi. Bên cạnh đó, ngân hàng đầu tư quốc doanh KfW cũng sẽ nâng hạn mức tín dụng cho Uniper thêm 7 tỷ Euro. Tổng cộng, Uniper sẽ nhận khoản cứu trợ khoảng 15 tỷ Euro.

Kế hoạch trên vẫn cần sự phê chuẩn của Uỷ ban châu Âu (EC), xác nhận của tổ chức đánh giá tín nhiệm S&P rằng Uniper là một công ty có định hạng tín nhiệm khuyến nghị đầu tư. Ngoài ra, thương vụ này cũng cần sự nhất trí của cổ đông Uniper.

Tiếp đó, Uniper sẽ cùng với Fortum và Chính phủ Đức đi tìm một giải pháp dài hạn nhằm cải tổ cấu trúc hợp đồng bán buôn khí đốt - mảng kinh doanh đang khiến Uniper thua lỗ nhiều tỷ USD. Các bên dự định đạt thỏa thuận về việc này vào cuối năm 2023.

Chuyên đề