Chính phủ 4.0: “Đảo chiều” trong tư duy và hành động

(BĐT) - Nguyên tắc chính của Chính phủ điện tử là lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ và phải bảo đảm sự hài lòng của người dân. Chính phủ Việt Nam đã và đang đi trên chặng đường vì mục tiêu này, thế nhưng chúng ta vẫn chưa thể đến đích bởi còn nhiều rào cản hiện hữu. 
Chính phủ phải tự đổi mới, chuyển đổi để có đủ năng lực quản trị quốc gia trong thời đại số. Ảnh: Trần Thanh Hải
Chính phủ phải tự đổi mới, chuyển đổi để có đủ năng lực quản trị quốc gia trong thời đại số. Ảnh: Trần Thanh Hải

Tìm giải pháp cho vấn đề này, xây dựng thành công một nền kinh tế số và trở thành một quốc gia số thực sự, chúng ta phải làm gì để có thể đi cùng, bắt kịp và vượt lên trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0)?

Thách thức không ít

Gần 2 tháng trước, phát biểu tại Diễn đàn Cấp cao CMCN 4.0, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh, CMCN 4.0 mở ra thời đại mới trong tiến trình phát triển của nhân loại - thời đại số được dự báo tác động mạnh mẽ lên mọi hoạt động của Chính phủ và toàn xã hội. Đây chính là cơ hội lịch sử song đầy thách thức đối với công cuộc cải cách và phát triển đất nước. Để không bỏ lỡ cơ hội này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, trước hết, Chính phủ phải tự đổi mới, chuyển đổi để trở thành một Chính phủ của thời đại CMCN 4.0, có đủ năng lực quản trị phát triển quốc gia trong thời đại số. Ông cũng yêu cầu các cấp, các ngành và toàn xã hội cần có những thay đổi từ nhận thức đến hành động để phát huy được những thuận lợi do việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số mang lại và đáp ứng được những thách thức của thời đại kinh tế số.

Dự thảo Nghị quyết về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025 đang được Chính phủ hoàn thiện. Thế nhưng, nhìn lại chặng đường xây dựng Chính phủ điện tử với mơ ước “doanh nghiệp thực hiện thủ tục chỉ bằng một cú nhấp chuột” vẫn còn một loạt tồn tại, hạn chế của giai đoạn qua. Nổi cộm lên là các rào cản về: Cơ chế đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin; việc triển khai ở một số nơi còn mang tính hình thức; việc triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, hạ tầng công nghệ thông tin làm nền tảng phục vụ phát triển Chính phủ điện tử còn chậm; hệ thống thông tin dữ liệu còn cục bộ, chưa có kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn rất thấp; việc giải quyết thủ tục hành chính và xử lý hồ sơ công việc còn mang nặng tính thủ công, giấy tờ…

Nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là do nhiều cấp, nhiều ngành chưa xác định rõ lộ trình và các nhiệm vụ cụ thể để triển khai, còn thiếu gắn kết giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách thủ tục hành chính và đổi mới lề lối, phương thức làm việc, nhất là trong quan hệ với người dân, doanh nghiệp; chưa phát huy vai trò của người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước chậm được triển khai; tình trạng cát cứ thông tin, dữ liệu còn phổ biến dẫn đến nhiều số liệu không thống nhất...

CMCN 4.0 đòi hỏi phải nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của cơ quan nhà nước, nghĩa là phải thay đổi tư duy và cách thức quản lý phù hợp. TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhìn nhận, xu thế CMCN 4.0 đang đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất không phải là chúng ta chênh lệch về trình độ công nghệ hay thiếu nguồn lực chất lượng cao, mà chính là thay đổi tư duy trong điều hành. “Chúng ta chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường vẫn nửa vời, hệ thống quản lý còn quan liêu. CMCN 4.0 thì chuyển đổi số hóa rất linh hoạt, điều này có lẽ không dễ với chúng ta nếu chúng ta không thay đổi tư duy và hành động mạnh mẽ hơn”, ông Cung nói.

Chia sẻ về vấn đề này, TS. Huỳnh Thế Du, giảng viên chính sách công tại Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright nhìn nhận: “Mấu chốt nhất của Chính phủ điện tử là để phục vụ người dân tốt hơn. Song, thực tế vẫn còn một số cán bộ công chức trong bộ máy quản lý vẫn còn vì những mục tiêu khác mà cản trở quá trình này. Và đây là thách thức chúng ta cần vượt qua”. 

Thay đổi để thích ứng và vượt lên

Từ thực tế triển khai xây dựng Chính phủ điện tử thời gian qua còn chậm, còn nhiều rào cản khiến mục tiêu đặt ra chưa đạt kết quả như mong đợi, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, nếu chúng ta không hội nhập, không cải cách đổi mới, đặc biệt là áp dụng công nghệ thông tin mà trước hết là xây dựng Chính phủ điện tử thì chúng ta sẽ chậm phát triển vì năng suất thấp. Thông qua xây dựng Chính phủ điện tử sẽ góp phần chống tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu đối với nhân dân.

“CMCN 4.0 là cơ hội tốt cho Việt Nam đảo chiều về đầu tư, thương mại, dịch vụ, giáo dục đào tạo. Sự đảo chiều trong tư duy và hành động rất quan trọng", Thủ tướng khẳng định. Cùng suy nghĩ này, TS. Nguyễn Đình Cung nêu quan điểm: “Lúc này quản lý nhà nước cũng phải suy nghĩ theo thị trường, theo sự phát triển của công nghệ và phương thức kinh doanh mới, chứ không phải dùng thủ tục hành chính can thiệp”. Theo đó, với xu thế CMCN 4.0, các loại hình hay cách thức kinh doanh mới xuất hiện, quản lý nhà nước vừa phải tạo lập được môi trường cạnh tranh bình đẳng, vừa phải tạo điều kiện để các mô hình kinh doanh mới, các doanh nghiệp công nghệ xuất hiện và phát triển; thúc đẩy chuyển đổi loại hình kinh doanh truyền thống. Đây chính là đòn bẩy cho chính sách đầu tư và tăng trưởng tiến tới quốc gia số. “Chúng ta cần phải thay đổi nhiều hơn vai trò cũng như cách thức quản lý của Nhà nước, phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa để có một nền kinh tế thị trường đầy đủ, phải chuyển sang một nền kinh tế số thực sự”, Lãnh đạo CIEM chỉ ra và nhấn mạnh cải cách ở đây phải thực sự mang tính đột phá. Trong cải cách này thì đổi mới tư duy và hành động không thể nói chung chung, mà phải có sự nhảy vọt mới có thể đạt mục tiêu đặt ra của Chính phủ điện tử.

TS. La Mạnh Hùng, Đại học Nevada (Mỹ) - người Việt ở nước ngoài trong danh sách 100 chuyên gia, nhà khoa học tham gia Chương trình kết nối Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức, nhấn mạnh yếu tố quyết định cho Việt Nam triển khai CMCN 4.0 đó là con người. “Chúng ta đang nói rất nhiều về CMCN 4.0, nhưng tìm hiểu thì còn thiếu nhiều thứ, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực cao chưa thấy một lộ trình rõ ràng”.

Để đảm bảo xây dựng thành công Chính phủ điện tử, Dự thảo Nghị quyết về vấn đề này của Chính phủ cũng đề xuất một số nhóm giải pháp trọng tâm như: xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai, xây dựng phát triển Chính phủ điện tử; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử gắn kết chặt chẽ ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, đổi mới lề lối làm việc nhằm chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ, số hóa, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương; đổi mới phương thức phục vụ người dân, doanh nghiệp...

Chuyên đề