Chiến tranh thương mại Mỹ Trung gây thiệt hại cho cả chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: MarketWatch |
Thêm vào đó, đợt áp thuế tiếp theo lên hàng hoá Trung Quốc với giá trị 16 tỷ USD có thể sẽ có hiệu lực sau vài tuần nữa. Nếu tính luôn cả đợt áp thuế lên mặt hàng thép nhập khẩu từ Canada và châu Âu cũng như mức thuế trả đũa Mỹ từ 2 khu vực này, có thể thấy, Washington đang triển khai một cuộc chiến tranh thương mại trên nhiều mặt trận.
Động thái trả đũa từ Trung Quốc
Hãng tin Bloomberg dẫn lời tuyên bố chính thức của Bộ Thương mại Trung Quốc rằng, với hành động nói trên, “Mỹ đã vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế. Mức áp thuế nói trên là hành vi ‘bắt nạt’ thương mại điển hình; nó đe dọa các chuỗi cung ứng cũng như chuỗi giá trị toàn cầu, chặn đứng đà phục hồi kinh tế toàn cầu, gây rối loạn thị trường thế giới và sẽ gây thiệt hại cho nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp cùng người tiêu dùng. Hành động này sẽ gây hại, chứ không giúp ích gì cho các doanh nghiệp và người dân Mỹ”.
Cũng theo tuyên bố trên, Chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ đáp trả lại hành động này và nhanh chóng kiện lên WTO. Và, như tuyên bố, Bắc Kinh ngay lập tức đã “ăn miếng trả miếng” một cách tương xứng khi đánh thuế nhập khẩu lên 545 mặt hàng của Mỹ với tổng giá trị 34 tỷ USD, trong đó, chủ yếu là nông sản. Cùng với đó, các hành động trả đũa thuế quan giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng gây tác động không nhỏ lên nền kinh tế thế giới.
Nhận định về tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, tờ The New York Times có bài viết: “Sự leo thang của chiến tranh thương mại từ mức đe dọa sang diễn biến thực tế sẽ tạo ra một đợt sóng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy chi phí của doanh nghiệp và người tiêu dùng lên cao cũng như làm biến động thị trường chứng khoán”.
Truyền thông quốc tế những ngày qua không thiếu nhiều bài báo gọi đây là cuộc thương chiến điên rồ, với lời cảnh báo nó có khả năng trở thành một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện, gây ra những hậu quả nghiêm trọng không kém gì Đại Suy thoái năm 2008.
Thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng
Những sự lo lắng trên là hoàn toàn hợp lý, vì một khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra ở mức toàn diện, hệ lụy sẽ không chỉ gói gọn ở Trung Quốc và Mỹ, mà một loạt nước thứ ba cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Ngoài ra, các hành động trả đũa thuế quan giữa Mỹ và EU cũng sẽ gây tác động không nhỏ lên nền kinh tế cũng như tình hình thương mại thế giới.
Tờ Reuters dẫn số liệu từ WTO như sau: Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên toàn cầu năm 2017 tăng 11%, đạt 17,2 nghìn tỷ USD. Theo ước lượng khái quát của các chuyên gia, cứ mỗi 100 tỷ USD hàng nhập khẩu bị ảnh hưởng bởi thuế sẽ làm thương mại toàn cầu giảm 0,5% và làm mất 0,1% tăng trưởng GDP toàn cầu. Lạm phát toàn cầu cũng sẽ tăng 0,1% - 0,3%, chưa tính biến động tỷ giá.
Tình hình thương mại nhiều bất ổn có thể khiến các ngân hàng ngần ngại trong việc tham gia vào những ngành công nghiệp bị ảnh hưởng, từ đó gây tác động đến giá cả và dòng chảy tín dụng. Thị trường tài chính hoàn toàn có khả năng lâm vào khủng hoảng. Còn nếu thuế bị đẩy xuống người tiêu dùng, niềm tin tiêu dùng và nhu cầu nội địa sẽ giảm sút.
Tác động to lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu
Thêm nữa, căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh sẽ không đơn thuần dừng ở mức thuế nhập khẩu hàng hoá, mà sẽ trực tiếp làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, bà Linda Yueh - phát thanh viên kiêm nhà kinh tế học viết trên trang The Guardian. Bà cho biết, bất kỳ sự gián đoạn nào xảy ra với chuỗi cung ứng và phân phối - 2 yếu tố đóng vai trò thiết yếu trong thương mại thế giới - đều có thể gây nên tác động lâu dài. Trong trường hợp xấu nhất, các doanh nghiệp có thể sẽ buộc phải di dời nhà máy hoặc các trung tâm phân phối của mình.
Song, nguy hiểm hơn cả, chính là sự sụp đổ niềm tin của các nhà đầu tư. Không một ai có thể dự đoán chính xác điều gì sẽ xảy ra với trật tự kinh tế thế giới một khi sự xung đột giữa 2 nền kinh tế hàng đầu đang diễn ra. Và, cũng không ai có thể biết trước khi nào các mối quan hệ thương mại được bình thường hoá. Thế nên, với quá nhiều sự không chắc chắn như vậy, các tập đoàn đa quốc gia đành tốt hơn hết là hoãn những quyết định đầu tư của mình hoặc hoàn cảnh xấu hơn là họ ồ ạt rút tiền để tìm nước khác an toàn hơn.
Viện Kinh tế Quốc tế Peterson chỉ ra gần 2/3 hàng hoá Mỹ nhập từ Trung Quốc đến từ các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Cho nên, dù đối tượng được nhắm đến chủ yếu là Trung Quốc, mức thuế của chính quyền Trump vẫn sẽ tác động đến các nước khác.
Một báo cáo phân tích của ngân hàng DBS, Singapore, cho thấy Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan và Singapore sẽ là những nền kinh tế chịu nhiều rủi ro nhất tại châu Á do chiến tranh thương mại. Nguyên nhân là vì các quốc gia này có độ mở thương mại cao và tham gia nhiều vào các chuỗi cung ứng. Cụ thể, trong năm nay, tăng trưởng GDP của Hàn Quốc có thể giảm 0,4%. Con số này đối với Malaysia và Đài Loan được dự báo sẽ là 0,6%. Còn với Singapore là 0,8%. Và, tác động từ cuộc thương chiến này có thể đẩy các con số lên xấp xỉ gấp đôi vào năm 2019.
Theo dữ liệu phân tích từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Đài Loan là nền kinh tế châu Á đóng góp giá trị thặng dư nhiều nhất vào số lượng hàng xuất khẩu Trung Quốc, với hơn 8% GDP. Theo sau là Malaysia - 6%, Hàn Quốc, Hong Kong, và Singapore khoảng 4 - 5%. Philippines, Thái Lan và Việt Nam khoảng 3%. Australia, Nhật, và Indonesia là 2%.
Bên cạnh đó, nhiều yếu tố khác cũng cần được cân nhắc. Ví dụ, Mỹ và Trung Quốc đều là đối tác kinh tế lớn của Hong Kong. Tuy nhiên, cơ cấu nền kinh tế Hong Kong dựa phần lớn vào dịch vụ. Thế nên, họ sẽ không chịu tác động nhiều từ thuế nhập khẩu. Gánh nặng sẽ dồn về các nước sản xuất nhiều hơn, điển hình như Việt Nam.