Chiến hạm tàng hình Gepard trầy trụa sau đợt thử nghiệm vũ khí trên biển

Tàu hộ vệ tên lửa Gepard số hiệu 487 trở về quân cảng Novorossiysk, Nga trong tình trạng bong tróc sơn nhiều chỗ sau khi hoàn tất cuộc thử nghiệm vũ khí trên Biển Đen.
Chiến hạm tàng hình Gepard trầy trụa sau đợt thử nghiệm vũ khí trên biển

 

Tàu hộ vệ tàng hình Đề án 1166.1E (lớp Gepard 3.9) mang số hiệu 487 hồi cuối tháng 2 trở về quân cảng Novorossiysk, tây nam nước Nga, sau hai tuần thử nghiệm hệ thống tác chiến và vũ khí trên Biển Đen, theo Livejournal.

Khi trở về cảng, chiếc 487 được hai tàu kéo lai dắt vào cầu tàu số 33 để neo đậu và kiểm tra. Có thể thấy rõ các vết bẩn và phần sơn tạm bị tróc do chuyến thử nghiệm gây ra.

Cây bút Code Barmaley cho biết nhà sản xuất sẽ phủ lớp sơn tàng hình và sơn bảo vệ sau khi thử nghiệm hoàn tất, bảo đảm khả năng hấp thụ sóng radar và thẩm mỹ cho tàu.

Tàu 487 đã trải qua giai đoạn khử từ vào đầu tháng 12 năm ngoái, trong khi chiếc 486 cùng lớp thực hiện một chuyến hành trình dài ngày để kiểm tra hệ thống động lực trên tàu.

Chiếc 487 được neo cạnh tàu tuần dương hạng nặng Mikhail Kutuzov, chiếc cuối cùng thuộc lớp tuần dương hạm Sverdlov và đóng vai trò tàu bảo tàng tại quân cảng Novorossiysk.

Tàu Gepard 3.9 có chiều dài 102 m và giãn nước 2.100 tấn, nhưng sở hữu hỏa lực áp đảo "người khổng lồ" Mikhail Kutuzov, vốn dài tới 210 m và có giãn nước đầy tải 16.000 tấn.

Vũ khí chính của Gepard 3.9 là 8 tên lửa chống hạm 3M24E với tầm bắn 130 km, một pháo hải quân AK-176MA cỡ nòng 76,2 mm, một tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Palma, hai hệ thống pháo tầm cực gần AK-630M, ống phóng ngư lôi cỡ 533 mm.

Tàu 487 được tạm thời neo giữa tuần dương hạm Kutuzov và một tàu tuần tra tại cảng Novorossiysk.

Đề án 1166.1E (Gepard 3.9) là lớp tàu hộ vệ tên lửa do Nga thiết kế chế tạo. Tàu dài 102 m, rộng 13,1 m, giãn nước 2.100 tấn. Tàu có thiết kế tàng hình, bao gồm phần thượng tầng nhiều góc cạnh và được phủ sơn hấp thụ sóng radar. Gepard 3.9 có tốc độ tối đa 28 hải lý/giờ, tầm hoạt động liên tục 7.000 km.

Cách đây hai tháng, tàu Gepard 3.9 từng xả khói phủ kín một nửa quân cảng này. Nguyên nhân được cho là động cơ diesel - tua bin khí trang bị trên tàu thường tạo ra rất nhiều khói trắng trong quá trình khởi động. Khi động cơ đã chạy ổn định, khí thải của tàu sẽ trở thành không màu.

Tàu Gepard sử dụng hệ thống đẩy theo thiết kế "kết hợp tua bin khí hoặc diesel" (CODOG) của Ukraine. Ưu điểm của CODOG là cho phép tàu đạt tốc độ tối đa cao hơn nhiều so với tốc độ hành trình, đồng thời đơn giản hóa về mặt thiết kế. Nhược điểm chính của nó là tiêu tốn nhiên liệu khi chạy hết tốc lực nếu so với các thiết kế phức tạp hơn.

Chiếc 487 được quấn nhiều vòng cáp điện để khử từ hồi tháng 12 năm ngoái, nhằm loại trừ từ tính của thân tàu, tránh kích nổ các loại vũ khí cảm ứng từ như ngư lôi hay thủy lôi.

Nga đang vận hành hai tàu Đề án 1166.1K là Tatarstan (691) và Dagestan (693). Việt Nam đã đặt mua 4 tàu hộ vệ lớp này, gồm hai chiếc thuộc Đề án 1166.1E là Đinh Tiên Hoàng (011) và Lý Thái Tổ (012) đã đưa vào biên chế Hải quân Nhân dân Việt Nam, cùng cặp tàu Gepard đang thử nghiệm tại Nga.

Chuyên đề