Chiếc Tiger F11F do Tom Attridge lái. Ảnh:Sience base life. |
Trong một buổi huấn luyện bắn đạn thật diễn ra ngày 21/9/1956, chiếc tiêm kích Tiger F11F do phi công thử nghiệm Tom Attridge của hãng Northrop Grumman điều khiển bất ngờ bị những viên đạn lạ xuyên qua buồng lái, khiến chiếc máy bay đâm sầm xuống một cánh rừng, theo SBL.
Cú đâm mạnh khiến Attridge bị gãy chân và vỡ ba đốt sống lưng. Điều kỳ lạ là vào thời điểm đó không có bất cứ máy bay thù địch nào hoạt động gần tiêm kích của Attridge. Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy Attridge không phải là nạn nhân của một cuộc tấn công bất ngờ, mà đơn giản là phi công này đã chọn sai thời gian và địa điểm, dẫn đến việc máy bay trở thành mục tiêu của chính loạt đạn do mình bắn ra.
Trên thực tế, việc một máy bay tự bắn rơi chính mình gần như là điều không tưởng, bởi theo nguyên lý khoa học thì xác suất của tai nạn kiểu này là một phần một triệu. Thật không may là Attridge lại rơi trúng vào phần xác suất rất nhỏ đó.
Các báo cáo chi tiết cho thấy chiếc tiêm kích của Attridge khai hỏa loạt đạn thứ nhất ở độ cao gần 4 km để kiểm tra hệ thống vũ khí trên máy bay, sau đó hạ thấp độ cao và tiếp tục bắn thêm vài loạt tiếp theo. Chỉ một thời gian ngắn sau loạt đạn thứ nhất, máy bay của Attridge trúng đạn của chính mình ở độ cao hơn 2 km.
Theo giả thuyết được các điều tra viên đặt ra, sơ tốc đầu nòng của loạt đạn bắn ra khoảng 3218 km/h, còn chiếc Tiger F11F của Attridge bay với vận tốc khoảng 1.416 km/h. Tốc độ của đạn nhanh hơn khá nhiều so với máy bay, nghĩa là về lý thuyết không có cách nào để chúng va chạm với nhau.
Tiger F11F trình diễn khả năng cơ động
Tuy nhiên, sau khi bay một quãng đường nhất định, những viên đạn cọ xát với không khí khiến vận tốc giảm đáng kể, nên đến một thời điểm nào đó, máy bay và những viên đạn sẽ có vận tốc tương đương.
Dữ liệu của máy bay cho thấy chiếc tiêm kích di chuyển khoảng 11 giây cho đến khi trúng đạn theo hướng chéo xuống (khi máy bay bổ nhào) so với vị trí đạn được bắn ra.
Nếu máy bay di chuyển với tốc độ 1.416 km/h, thì Attridge đã bay được quãng đường 4,3 km.
Sơ đồ mô tả quỹ đạo đường đạnvà hướng di chuyển của máy bay. Đồ họa:Sience base life.
Do lực cản không khí và trọng lực, tốc độ viên đạn giảm dần và có thể di chuyển được quãng đường từ 3,9 đến 4,8 km cho tới khi nó đạt vận tốc ngang với máy bay. Khoảng cách đó tương đương quãng đường máy bay của Attridge di chuyển, hay nói cách khác, máy bay hoàn toàn có thể bị trúng đạn của chính mình.
Báo cáo điều tra kết luận rằng những viên đạn đã giảm vận tốc đúng bằng vận tốc máy bay khi bổ nhào, đúng như giả thuyết đã đặt ra.
"Với vận tốc của các máy bay hiện nay, nếu phi công tiếp tục bổ nhào nhanh xuống vị trí thấp hơn so với vị trí khai hỏa thì việc tự bắn mình có thể xảy ra bất cứ lúc nào", Attridge khẳng định.