Việt Nam không ngừng tăng chi tiêu công cho ngành giao thông, từ 1 tỷ USD năm 2002 đến trên 5 tỷ USD năm 2012. Ảnh: Tường Lâm |
Đó là một trong những nội dung đáng chú ý được đưa ra tại báo cáo Đánh giá chi tiêu công Việt Nam do Chính phủ Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Thế giới công bố vừa công bố. Đây là lần thứ tư báo cáo này được công bố, lần gần nhất đã cách đây hơn 10 năm.
Báo cáo cho biết, Chính phủ Việt Nam thời gian qua đã không ngừng tăng chi tiêu công cho ngành giao thông, từ 1 tỷ USD năm 2002 đến trên 5 tỷ USD năm 2012.
Trong giai đoạn đánh giá (2009 – 2012), toàn bộ ngành giao thông chiếm tới 30% tổng chi đầu tư của Chính phủ; 8.5% chi ngân sách nhà nước, khoảng 3,1% GDP. Trong đó đường bộ vẫn tiếp tục chiếm phần lớn, bằng 88% chi tiêu công trong ngành giao thông.
“Việc phân bổ ngân sách giữa các phương thức vận tải vẫn ưu ái nhiều cho lĩnh vực đường bộ gây thiệt thòi cho các phương thức khác hiệu quả kinh tế hơn và ít thâm dụng vốn hơn”, báo cáo nhận định.
Theo thống kê, chưa tính đến nguồn trái phiếu Chính phủ thì ngân sách Trung ương tập trung tới 73% cho đường bộ. Tiếp theo là giao thông đường biển (13,5%). Phần còn lại là phân bổ cho giao thông đường thuỷ, đường sắt.
Trước đó, Đánh giá chi tiêu công năm 2004 đã khuyến nghị nên chuyển nguồn lực dành cho duy tu bảo dưỡng thay vì chi đầu tư cho lĩnh vực đường bộ. Bên cạnh đó, cần chuyển sang các lĩnh vực có tỷ lệ chi phí trên khối lượng vận chuyển có hiệu suất cao hơn như đường thuỷ, đường sắt.
Đến nay mặc dù các khuyến nghị đang từng bước được thực hiện song chi đầu tư và chi thường xuyên cho hai lĩnh vực này vẫn còn thấp hơn nhiều so với các lĩnh vực khác, điều này gây ảnh hưởng tới hoạt động.
Bà Jung Euth Oh, chuyên gia giao thông cao cấp, Ngân hàng Thế giới cho biết, mặc dù vận tải đường bộ là phương thức vận tải quan trọng nhất tính theo khối lượng vận chuyển, chiếm trên 90% lượng hành khách và 70% lượng hàng hoá trong giai đoạn 2009 – 2012 nhưng đây cũng là phương thức vận tải hàng hoá nội địa đắt đỏ nhất. Mặc dù mức chi đầu tư lớn song chi phí vận tải đường bộ ở VN lại thuộc cao nhất khu vực và mật độ đường cao tốc vẫn thuộc dạng thấp nhất trong khu vực. Trung bình mất 2 giờ mới đi được 100 km khi đi ở hệ thống đường bộ ở VN, cao hơn rất nhiều so với nhiều nước trong khu vực kể cả Trung Quốc và các nước lân cận.
Trong khi đó, vận tải đường biển và đường thuỷ nội địa có mức chi phí vận tải thấp nhất và có hiệu suất cao nhất theo tỷ lệ chi ngân sách trên khối lượng vận chuyển thì chưa được đầu tư một cách xứng đáng.
“Ngành giao thông sẽ hưởng lợi nếu tăng đầu tư và duy tu bảo dưỡng hai lĩnh vực này, đặc biệt là dọc các khu vực duyên ải, khu vực đồng bằng sông Cửu Long”, chuyên gia WB đưa ra khuyến nghị.
Bà Jung Euth Oh cũng chỉ ra rằng, nếu tất cả các dự án sân bay cảng được phê duyệt, Việt Nam sẽ có hệ thống sân bay và cảng nước sâu nhiều nhất thế giới so với quy mô nền kinh tế.
“Tuy nhiên, đầu tư như vậy chưa hiệu quả, chưa hết công suất, chưa kết nối tốt với hệ thống giao thông nội địa. Theo đó, tổng đầu tư cần phải cân đối tốt hơn giữa các lĩnh vực giao thông và với duy tu bảo dưỡng”, bà Jung nhận định.
Cần duy tu bảo dưỡng nhiều hơn thay vì sửa chữa, thay thế đường
Báo cáo Đánh giá chi tiêu công cũng cho biết, việc duy tu bảo dưỡng đường bộ ở Việt Nam chưa được đảm bảo. Tỷ lệ duy tu bảo dưỡng trên tổng chi tiêu đường bộ trung bình là 30% tại các nước OECD năm 2011, 37% tại Indonesia năm 2009, 35% tại Malaysia năm 2013, trong khi đó tỷ lệ này tại VN chỉ là 10% năm 2012.
Ngân sách chi duy tu bảo dưỡng thực tế chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu và thậm chí còn thấp hơn khi mức chi duy tu bảo dưỡng trên một km đường vốn đã cao nay lại tăng lên 68% trong giai đoạn từ năm 2009 – 2013.
Bà Jung Euth Oh - chuyên gia giao thông cao của WB cho rằng, đây là một bất cập cần được khắc phục bởi chi phí duy trì, bảo dưỡng đường bộ sẽ rẻ hơn nhiều so với chi phí đầu tư sửa chữa, thay thế đường. Theo đó thay vì đầu tư các khoản lớn để sửa chữa, cần nhìn nhận chi phí tổng thể trong cả vòng đời dự án.
Cũng theo số liệu được đưa ra trong báo cáo Đánh giá chi tiêu công, khoảng 50% tổng đầu tư hạ tầng giao thông Việt Nam, tương đương khoảng 4 tỷ USD mỗi năm giai đoạn 2009 – 2012, được tài trợ từ nguồn vốn vay ưu đãi ODA.
Tuy nhiên, nguồn vốn này không có sẵn trong thời gian tới khi Việt Nam củng cố địa vị là quốc gia thu nhập trung bình. Dự kiến trong thời kỳ 2012 – 2020 chương trình phát triển hạ tầng giao thông Việt Nam sẽ cần khoảng 10 tỷ USD mỗi năm, tương đương 5-6% GDP cả nước, cao hơn đáng kể so với mức 3,5% GDP giai đoạn sau năm 2002. Nguồn chính bù vào khoản thiếu hụt lớn này sẽ đến từ khu vực tư nhân.
Trước tình hình thiếu hụt nguồn vốn trầm trọng, Chính phủ nhận thấy cần phải xem xét các mô hình huy động vốn từ tư nhân, kết quả đến nay khá tốt. Bộ GTVT đã và đang thực hiện nhiều dự án BOT nội địa nhằm cải tạo đường bộ. Tuy nhiên, các dự án chủ yếu sử dụng nguồn NSNN thông qua cho vay DNNN và đi kèm/hoặc không thông qua đấu thầu cạnh tranh, nghĩa là không giảm được rủi ro cho phía Chính phủ. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh và khuôn khổ pháp lý tại Việt Nam còn chưa thuận lợi để triển khai mạnh các dự án hợp tác công tư (PPP).
Trong số các khuyến nghị đưa ra cho ngành giao thông, báo cáo cho rằng cần chuyển trọng tâm từ chi đầu tư sang các hoạt động duy tu bảo dưỡng tài sản, đảm bảo cân đối về mặt kinh tế - xã hội và bền vững, bố trí chi duy tu bảo dưỡng theo thông lệ quốc tế đồng thời giảm chi phí giao thông đường bộ.
Đồng thời tăng gấp ba chi tiêu công và tăng gấp đôi chi duy tu bảo dưỡng cho vận tải thuỷ nội địa. Khuyến nghị này dựa trên thực tế là ngân sách thường xuyên phân bổ cho ngành lần lượt đáp ứng khoảng 30% và 50% chi đầu tư và nhu cầu duy tu bảo dưỡng, trong khi mức duy tu bảo dưỡng lại rất thấp so với ngành khác.