Ảnh Internet |
Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018
Ngay ngày đầu tiên của năm mới 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đề ra phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” và xác định trọng tâm chỉ đạo điều hành là: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực hiện quyết liệt cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Chú trọng các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội; thực hành dân chủ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.
Thủ tướng chỉ thị chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai
Thủ tướng Chính phủ ký Chỉ thị 01/CT-TTg yêu cầu chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương triển khai, hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của các cấp bảo đảm chất lượng, đồng bộ, thống nhất và nâng cao tính khả thi; chấn chỉnh và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận, tính thu nghĩa vụ tài chính về đất đai không đúng quy định của pháp luật; cũng như đối với việc buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép hoặc chậm đưa đất vào sử dụng mà không xử lý kịp thời.
Chương trình hành động của Chính phủ về công tác dân số
Chính phủ đã ra Nghị quyết số 137/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.
Chương trình đã đề ra 7 giải pháp cụ thể gồm: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp; đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động về công tác dân số; hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số; phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ dân số; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dân số; tăng cường hợp tác quốc tế.
Chính phủ ban hành 10 Nghị định về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt
Chính phủ ban hành 10 Nghị định về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại với một số nước.
Cụ thể, Nghị định số 149/2017/NĐ-CP quy định cụ thể thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc giai đoạn 2018-2022 (thuế suất VKFTA) và điều kiện được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định này.
Nghị định 150/2017/NĐ-CP về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa một bên là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bên kia là Liên minh Kinh tế Á - Âu và các nước thành viên giai đoạn 2018 - 2022.
Nghị định 153/2017/NĐ-CP về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc giai đoạn 2018 - 2022.
Bên cạnh đó là Nghị định 154/2017/NĐ-CP về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Chi Lê giai đoạn 2018 - 2022.
Nghị định 155/2017/NĐ-CP về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nhật Bản về Đối tác kinh tế giai đoạn 2018 - 2023.
Nghị định 156/2017/NĐ-CP về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại Hàng hóa ASEAN giai đoạn 2018 - 2022.
Nghị định 157/2017/NĐ-CP quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc thuộc Hiệp định Khung về Hợp tác Kinh tế Toàn diện ASEAN - Hàn Quốc giai đoạn 2018-2022 và điều kiện được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định này (thuế suất AKFTA).
Nghị định 158/2017/NĐ-CP về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thành lập Khu vực Thương mại tự do ASEAN - Ôt-xtrây-lia - Niu Di-lân giai đoạn 2018 - 2022.
Nghị định 159/2017/NĐ-CP về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ giai đoạn 2018 - 2022.
Nghị định 160/2017/NĐ-CP về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản giai đoạn 2018 - 2023.
Quy định mới về quản lý, sử dụng tài sản công
Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công về các nội dung sau: Thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định: Giao, mua sắm, thuê, xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; sử dụng tài sản công để tham gia dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư; mua sắm, thuê, phê duyệt phương án xử lý tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước; quản lý, sử dụng tài sản công được Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp…
Phối hợp truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phối hợp truyền thông phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đến năm 2020” nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm trên sóng truyền hình, phát thanh, báo viết, báo điện tử và các ấn phẩm khác của ba cơ quan truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, huy động sự tham gia của các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân trong công tác này.
Người bị giam giữ được sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo
Chính phủ ban hành Nghị định 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
Trong đó, Nghị định quy định người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc (người bị quản lý, giam giữ) được sử dụng kinh sách xuất bản dưới hình thức sách in, phát hành hợp pháp để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của cá nhân và được thể hiện niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo bằng lời nói hoặc hành vi của cá nhân theo quy định của pháp luật về nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc (cơ sở quản lý, giam giữ).
Tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp
Chính phủ đã ban hành Nghị định 152/2017/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp.
Nghị định quy định cụ thể tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích làm việc của các chức danh thuộc Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
Trong đó, đối với cấp huyện, diện tích tối đa cho một chỗ làm việc là 25 m2/người với chức danh: Bí thư, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch UBND cấp huyện, các chức danh tương đương và các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 - 0,9; diện tích tối đa cho một chỗ làm việc là 15 m2/người đối với Phó Bí thư, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch UBND cấp huyện, các chức danh tương đương và các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,6 - dưới 0,7...
Quy hoạch tổng thể phát triển 2 Khu du lịch quốc gia
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Vịnh Xuân Đài, tỉnh Phú Yên đến năm 2030 và Khu du lịch quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình đến năm 2030.
Phát triển đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và các quốc gia, địa bàn trọng điểm
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án định hướng phát triển đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và các quốc gia, địa bàn trọng điểm nhằm thúc đẩy đầu tư phát triển, tăng cường giao lưu, hội nhập quốc tế.
Mục tiêu Đề án nhằm phát triển mạng đường bay quốc tế giữa Việt Nam và các thị trường trọng điểm của Việt Nam gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Ma-lai-xia, Nga, Đức, Úc, Pháp, Anh và Ấn Độ cũng như các thị trường tiềm năng khác như Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, Nam Phi... của các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài để thúc đẩy đầu tư phát triển, tăng cường giao lưu, hội nhập quốc tế.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu điều tra, làm rõ vụ nổ nghiêm trọng tại Bắc Ninh
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầuUBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo khẩn trương tổ chức thăm hỏi, động viên, khắc phục hậu quả, có biện pháp hỗ trợ kịp thời những nạn nhân và thân nhân người bị nạn, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng chức năng sớm điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ nổ xảy ra tại xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh vào sáng 3/1.
Phê duyệt phương án cơ cấu lại VNPT
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã ký quyết định 2129/QĐ-TTg phê duyệt phương án cơ cấu lại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) giai đoạn 2018 - 2020 nhằm xây dựng và phát triển VNPT thành tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh; Nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam và Trung tâm giao dịch số tại thị trường Đông Nám Á và Châu Á...
VINAFOOD II bán 125 triệu cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ký Quyết định 2133/QĐ-TTg phê duyệtphương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực miền Nam (VINAFOOD II) theo hình thức bán bớt phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp.
Vốn điều lệ của VINAFOOD II là 5.000 tỷ đồng tương ứng 500 triệu cổ phần theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Về cơ cấu vốn điều lệ, Nhà nước nắm 255 triệu cổ phần, chiếm 51,00% vốn điều lệ; cổ phần bán đấu giá công khai cho các nhà đầu tư thông thường 114.831.000 cổ phần, chiếm 22,97% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động 4.969.000 cổ phần, chiếm 0,99% vốn điều lệ; cổ phần bán cho Tổ chức Công đoàn tại doanh nghiệp 200.000 cổ phần, chiếm 0,04% vốn điều lệ; cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược 125.000.000 cổ phần, chiếm 25,00% vốn điều lệ.
Phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã ký Quyết định 16/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) giai đoạn 2017-2020. Theo đó, vốn điều lệ của Vinachem đến năm 2020 khoảng 20.000 tỷ đồng. Vinachem xây dựng kế hoạch, phương án và lộ trình thực hiện cổ phần hóa Công ty mẹ giai đoạn 2018-2019. Sau cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối từ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ.
Trình Thủ tướng khuôn khổ pháp lý quản lý tiền ảo trước 30/1
Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao các bộ, ngành của Chính phủ nhanh chóng rà soát, đề xuất phương án quản lý kinh tế trên một số lĩnh vực ngay trong tháng 1/2018.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để quản lý tiền ảo tại Việt Nam theo chỉ đạo tại Quyết định số 1255/QĐ-TTG ngày 21/8/2017.
Khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng sinh học
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục triển khai Chương trình truyền thông quốc gia nhằm khuyến khích người tiêu dùng sử dụng nhiên liệu xăng sinh học.
Rà soát, quy định cụ thể về GCN quyền sử dụng đất
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, quy định cụ thể về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật về đất đai.