Hiện có trên 11,3% hộ kinh doanh có quy mô từ 10 lao động trở lên. Ảnh minh họa: Internet. |
Báo cáo trên của CIEM khẳng định, hộ kinh doanh là một trong những chủ thể sản xuất, kinh doanh quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.
Cả nước hiện có 4,75 triệu hộ sản xuất, kinh doanh, như vậy, cứ 19,3 người dân thì có 1 hộ kinh doanh và số hộ kinh doanh này gấp khoảng 10 lần số DN đang hoạt động.
Bên cạnh đó, hơn 4 triệu hộ này và tạo việc làm cho 8 triệu lao động, điều này cho thấy quy mô hộ kinh doanh rất nhỏ, số lao động bình quân chỉ 1,7 người/hộ.
Về vốn, 7,5 % số hộ kinh doanh có quy mô vốn từ 1 tỷ đồng trở lên, chỉ có 1,3% số hộ có mức vốn kinh doanh từ 5 tỷ đồng trở lên, trong khi tỷ lệ này ở nhóm DN là 26%.
Việc thúc đẩy hộ kinh doanh trở thành DN đang là vấn đề quan trọng của nền kinh tế. Kể từ năm 1999, Luật Doanh nghiệp đã quy định hộ sản xuất kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải thành lập DN. Tuy nhiên, từ đó đến nay, đã 16 năm số hộ kinh doanh chuyển sang đăng ký thành lập DN theo quy định của Luật DN là không nhiều.
Nghiên cứu của CIEM cho thấy, thời gian qua chỉ có 17,8% số DN điều tra được đăng ký, thành lập trên cơ sở hộ kinh doanh, hơn 80% DN được thành lập mới từ đầu.
Theo hình thức pháp lý hay loại hình DN thì 12,5% DN tư nhân được chuyển đổi từ hộ kinh doanh, 20% công ty TNHH MTV có xuát phát điểm từ hộ kinh doanh và 13,3% công ty TNHH hai thành viên trở lên có nguồn gốc từ hộ kinh doanh.
Kết quả điều tra cho thấy, hiện có trên 11,3% hộ kinh doanh có quy mô từ 10 lao động trở lên (đáp ứng điều kiện quy định của Luật Doanh nghiệp) nhưng vẫn chưa đăng ký thành lập DN theo quy định.
Lý giải cho việc phần lớn hộ kinh doanh không đăng ký thành lập DN mà vẫn chấp nhận là ở trong khu vực “phi chính thức”, báo cáo nghiên cứu của CIEM cho biết, một trong những nguyên nhân là do nếu vẫn là hộ kinh doanh thì có nhiều thuận lợi hơn, trước hết là chi phí tuân thủ pháp luật về quản trị DN tại hộ thấp hơn nhiều so với DN.
Bên cạnh đó, tổ chức quản lý ở hộ kinh doanh rất linh hoạt và gọn nhẹ và việc ra quyết định thường nhanh hơn DN vì không phải triệu tập họp bàn ở nhiều cấp.
Các hộ kinh doanh vẫn mang tâm lý nặng nề là DN phải thường xuyên đụng chạm đến nhiều thủ tục hành chính và quy định hiện hành nên nguy cơ bị xử phạt hành chính cao gấp đôi, vì thế phần lớn hộ kinh doanh "không muốn lớn".