Ông Tô Hoài Nam |
Trong đó, có nhiều quy định thoáng hơn cho đối tượng doanh nghiệp này như: Được phép bố trí người phụ trách kế toán mà không bắt buộc phải có kế toán trưởng; người thân của ban lãnh đạo công ty không bị cấm làm kế toán như lâu nay; ngoài ra, các doanh nghiệp siêu nhỏ cũng có quyền thuê đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán để làm kế toán hoặc làm kế toán trưởng, phụ trách kế toán....
Đây cũng là lần đầu tiên Bộ Tài chính đưa ra những phương án cụ thể về chế độ kế toán cho đối tượng doanh nghiệp siêu nhỏ. Lâu nay, các doanh nghiệp thực hiện chung một chế độ kế toán với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, tài sản trong các DN hiện nay chủ yếu là của tư nhân, không phải là tài sản quốc gia như các doanh nghiệp Nhà nước, vì thế, không cần quy định quá chặt chẽ về việc “ai được làm gì”, “điều kiện ra sao”. Việc sử dụng nhân sự nói chung và quyết định ai làm kế toán, kế toán trưởng nói riêng nên là quyền tự quyết của chính DN.
Vì vậy, ông Nam nhận định những quy định theo hướng mở hơn, thoáng hơn trong Dự thảo là rất đúng đắn, góp phần làm giảm bớt chi phí, gánh nặng về nhân sự cho các DN siêu nhỏ, cũng như giải quyết phần nào những điểm nghẽn đang khiến các hộ kinh doanh ngần ngại ‘lên đời’ doanh nghiệp. Khi các doanh nghiệp này chỉ cần một nhân viên có thể kiêm nhiệm nhiều vị trí, hiện tại theo quy định thì cũng phải có ít nhất 2-3 nhân viên.
Tuy nhiên, ông Tô Hoài Nam cho rằng những quy định trong chế độ kế toán đối với DN siêu nhỏ cần được điều chỉnh để giản đơn, gọn nhẹ hơn nữa.
Theo ông Nam, yêu cầu về lập các báo cáo tài chính cũng nên được giảm bớt, ví dụ yêu cầu về cung cấp thông tin, cần xem xét cụ thể với trường hợp của các DN nhỏ và siêu nhỏ có những thông tin gì cần thiết, bắt buộc phải cung cấp, còn những thông tin không quan trọng thì nên lược bỏ. Về mặt lưu trữ tài liệu kế toán, cũng nên quy định thời gian lưu trữ ngắn hơn để giảm chi phí lưu trữ hồ sơ, tài liệu.
Bên cạnh đó, ông Nam cho rằng, chế độ kế toán với DN siêu nhỏ phải bảo đảm những nguyên tắc kế toán phù hợp để DN có thể thực hiện được.
“Theo tôi chỉ cần giữ lại một số hạng mục tài khoản kế toán để đưa vào báo cáo tài chính như: Tiền, hàng tồn kho, tài sản cố định, nợ phải trả, nợ phải thu, vốn, doanh thu, chi phí. Từ trên 30 loại tài khoản có thể rút xuống trên dưới 10 là đủ với DN siêu nhỏ. Nếu sợ họ trốn thuế thì có hóa đơn, có hàng tồn kho. Muốn xem năng lực của họ thì nhìn vào vốn chủ sở hữu…”, ông Nam bày tỏ.