Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại Brussels hồi tháng 3/2017 - Ảnh: Reuters. |
Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản ngày 17/7 ký một thỏa thuận thương mại rộng lớn, xóa bỏ gần như mọi hàng rào thuế quan giữa hai nền kinh tế, trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang do chính sách bảo hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo hãng tin AP, Hiệp định Đối tác kinh tế EU-Nhật Bản đã được hai bên nhất trí vào cuối năm trước, và lễ ký ngày 17/7 tại Tokyo, là động thái cuối cùng để hoàn tất thỏa thuận.
Lẽ ra, thỏa thuận đã được ký ở châu Âu vào đầu tháng 7, nhưng việc ký kết đã bị hoãn do Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phải hủy chuyến thăm Brussels để chỉ đạo giải quyết hậu quả trận lũ nghiêm trọng khiến hơn 200 người thiệt mạng ở khu vực Tây Nam nước này.
Hôm thứ Hai, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã tới Tokyo để chuẩn bị cho lễ ký.
Cả châu Âu và Nhật Bản đều đưa ra những dự báo khả quan về thỏa thuận bao trùm 1/3 nền kinh tế toàn cầu và 600 triệu dân.
Khi thỏa thuận được đưa vào thực thi, giá rượu vang và thịt lợn châu Âu tại thị trường Nhật sẽ giảm xuống. Giá phụ tùng máy móc, trà và các sản phẩm cá của Nhật tại thị trường châu Âu cũng trở nên rẻ hơn.
Theo thỏa thuận, 99% thuế quan đối với hàng Nhật và châu Âu sẽ được xóa bỏ. 94% thuế quan đối với hàng châu Âu vào Nhật cũng sẽ được xóa bỏ ngay, và tỷ lệ này sẽ tăng lên mức 99% sau vài năm. Một số trường hợp đặc biệt mà Nhật chưa thể gỡ hàng rào thuế quan có mặt hàng gạo - một mặt hàng có sự nhạy cảm lớn cả về văn hóa và kinh tế mà Tokyo đã bảo hộ nhiều thập kỷ.
Bước tiến lớn trong tự do hóa thương mại này đã được châu Âu và Nhật Bản thảo luận từ năm 2013, nhưng thời điểm ký kết thỏa thuận có một ý nghĩa lớn, bởi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đang ở trong một cuộc chiến thương mại đầy căng thẳng.
Hiện tại, Washington và Bắc Kinh đã áp thuế 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa của nhau. Mỹ còn dọa áp thuế 10% thêm 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, dẫn tới việc Trung Quốc cảnh báo sẽ đáp trả tương xứng.
Ngoài thỏa thuận với EU, Nhật Bản còn đang xúc tiến các thỏa thuận thương mại khác, bao gồm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hay còn gọi là TPP 11 và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Hiệp định Đối tác kinh tế EU-Nhật Bản được coi là một "sản phẩm" của chính sách chấn hưng tăng trưởng kinh tế "Abenomics" của Thủ tướng Abe. Chính sách này nhằm đưa nền kinh tế lớn thứ ba thế giới thoát khỏi chuỗi thời gian tăng trưởng trì trệ kéo dài nhiều năm, bất chấp dân số Nhật suy giảm và người dân hạn chế chi tiêu. Hiện nay, tăng trưởng kinh tế Nhật vẫn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu.
Bằng cách tăng cường quan hệ với EU, Nhật Bản hy vọng sẽ thúc đẩy đầu tư trực tiếp song phương, chống lại xu hướng bảo hộ trên toàn cầu, và tăng cường vị thế của các thương hiệu Nhật Bản - Bộ Ngoại giao nước này nói trong một tuyên bố.
EU thì nói rằng tự do hóa thương mại với Nhật Bản sẽ giúp châu Âu xuất khẩu được nhiều hơn các sản phẩm hóa chất, quần áo, mỹ phẩm và bia sang Nhật Bản, theo đó tạo thêm việc làm cho người châu Âu. Người tiêu dùng Nhật vốn ưa chuộng hàng hóa châu Âu, nên giá hàng châu Âu giảm có thể khuyến khích người dân đất nước mặt trời mọc chi tiêu nhiều hơn.