Châu Á chiếm 98,6% tổng trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của Việt Nam |
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, trong quý II/2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của Việt Nam đạt 778,8 nghìn tấn, trị giá 344,11 triệu USD, tăng 26,6% về lượng và tăng 38,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của Việt Nam trong quý II/2022 tiếp tục phục hồi nhờ nhu cầu sắn và các sản phẩm sắn toàn cầu tăng.
Trong quý II/2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn sang khu vực châu Á đạt 772,33 nghìn tấn, trị giá 339,42 triệu USD, tăng 26,7% về lượng và tăng 38,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là khu vực thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, chiếm tới 98,6% tổng trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của cả nước. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất tiêu thụ sắn và các sản phẩm sắn của Việt Nam, với 699,48 nghìn tấn, trị giá 308,15 triệu USD, tăng 27% về lượng và tăng 38,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 89,5% trong tổng trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của cả nước.
Về mặt hàng, quý II/2022, tinh bột sắn là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 80,5% tổng trị giá sắn và các sản phẩm sắn xuất khẩu của cả nước, với 559,24 nghìn tấn, trị giá 276,94 triệu USD, tăng 37,5% về lượng và tăng 43,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu sắn lát khô đạt 222,08 nghìn tấn, trị giá 66,17 triệu USD, tăng 7,1% về lượng và tăng 20,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tại thị trường trong nước, thời gian qua, do thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu tiêu thụ tinh bột sắn yếu hơn, giá tinh bột sắn thành phẩm tại Tây Ninh biến động nhẹ. Tuy nhiên, tiêu thụ nội địa vẫn khá tốt nên hiện nay các nhà máy vẫn tập trung khai thác thị trường nội địa. Hiện một số nhà máy tinh bột sắn tại Đắk Lắk bắt đầu thu mua nguyên liệu trở lại sau hơn hai tháng nghỉ bảo dưỡng. Các nhà máy tinh bột sắn phía Bắc đang đưa hàng lên cửa khẩu để giải phóng hàng tồn kho trước khi vụ mới bắt đầu từ tháng 9 tới.
Dự báo thời gian tới, nhu cầu mua sắn và tinh bột sắn từ các nhà nhập khẩu nước ngoài vẫn tăng do các nước tăng cường dự trữ lương thực, ngũ cốc cho tiêu dùng. Ngoài ra, các ngành công nghiệp năng lượng và thức ăn chăn nuôi cũng chuyển sang nhập khẩu các sản phẩm từ sắn để thay thế, dẫn đến tăng nhu cầu đối với sắn.
Riêng với thị trường Trung Quốc, dự báo thời gian tới nhu cầu của thị trường này đối với sắn và tinh bột sắn vẫn cao, đây sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Tuy nhiên, hiện nay tại Trung Quốc, tinh bột sắn của Việt Nam bị cạnh tranh bởi sắn của Thái Lan và Lào. Ngoài ra, thị trường Trung Quốc hay thay đổi về chính sách xuất nhập khẩu gây ảnh hưởng không nhỏ tới doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam, trong đó có ngành sắn.