Cổ phần hóa chậm có nguyên nhân do người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước còn e ngại, có tâm lý trông chờ vào cơ chế, chính sách mới. Ảnh: Ngọc Kỳ |
Với những sửa đổi sắp tới của quy định pháp luật về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn sẽ vừa nhanh vừa đảm bảo hiệu quả, hạn chế thất thoát.
Theo số liệu được ông Đặng Quyết Tiến công bố tại cuộc họp báo chuyên đề của Bộ Tài chính chiều qua, 6 tháng đầu năm 2017, cả nước đã cổ phần hóa được 19 doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Ông Tiến cho biết, tiến độ cổ phần hóa này là không đạt chỉ tiêu, chậm so với năm trước, thoái vốn cũng chậm.
Nguyên nhân chậm, theo đại diện Bộ Tài chính là do quá trình thực hiện cổ phần hóa có nhiều nội dung phức tạp, nhất là xác định giá trị DN, và với DN lớn công việc còn phức tạp hơn nhiều. Vì thế, có chuyện người đứng đầu DN e ngại, né tránh trách nhiệm, có tâm lý trông chờ vào cơ chế, chính sách mới. Ngoài ra, có nguyên nhân khách quan là thị trường chưa hấp thụ tốt, nên nhiều DN chưa bán được vốn.
Ông Tiến cho biết thêm, nguyên nhân cổ phần hóa chậm một phần do Nghị định số 91/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN quy định nhiều nội dung chưa rõ.
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP có nhiều nội dung sửa đổi quan trọng. Đáng lưu ý, sẽ sửa đổi, bổ sung quy định về xác định giá khởi điểm khi thực hiện chuyển nhượng vốn nhà nước, vốn của DNNN đầu tư tại DN khác.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi quy định về việc xác định giá khởi điểm đấu giá chuyển nhượng vốn tại Dự thảo Nghị định (so với quy định của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP thì tính thêm giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê vào giá khởi điểm, vì người sử dụng đất thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê có các quyền đầy đủ như đất giao theo quy định của pháp luật về đất đai), nội dung sửa đổi cụ thể như sau:
Việc xác định giá khởi điểm khi chuyển nhượng vốn được thực hiện thông qua DN có chức năng thẩm định giá theo quy định của pháp luật về thẩm định giá, đảm bảo xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn nhà nước/của DNNN đầu tư tại DN khác bao gồm cả giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất giao, quyền sử dụng đất thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, quyền sử dụng đất nhận chuyển nhượng hợp pháp theo quy định của pháp luật về đất đai và giá trị các quyền sở hữu trí tuệ (nếu có) của DN khác theo quy định của pháp luật tại thời điểm chuyển nhượng vốn.
Việc sử dụng giá khởi điểm để thực hiện chuyển nhượng vốn theo các phương thức quy định tại Nghị định này phải đảm bảo nguyên tắc tối đa không quá 6 tháng kể từ thời điểm chứng thư thẩm định giá có hiệu lực đến ngày công bố trúng giá chuyển nhượng vốn.
Ngoài ra, Dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung, sửa đổi quy định về nguyên tắc chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN tại DN khác; quy định rõ về các phương thức chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN đầu tư tại DN khác; bổ sung quy định về xử lý chi phí chuyển nhượng khi không bán được; bổ sung quy định về trách nhiệm của người đại diện vốn nhà nước trong việc thu cổ tức, lợi nhuận được chia vào ngân sách nhà nước;...
Theo ông Tiến, với những điểm đổi mới cơ bản nêu trên, sau khi Chính phủ xem xét, ban hành, Nghị định sẽ tạo điều kiện để quá trình chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN đầu tư tại DN khác có thể vừa tiến hành nhanh vừa có thể đảm bảo hiệu quả, ngăn chặn thất thoát vốn và tài sản nhà nước tại DN.
“Ban hành Nghị định sửa đổi rồi, quy trình rõ rồi, lãnh đạo DN không thể chần chừ thực hiện cổ phần hóa được, nếu chần chừ chỉ vì cố tình không làm, chứ quy trình rõ rồi”, ông Tiến nhận định.