Cấp thiết có chính sách hỗ trợ đầu tư mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam cần đưa ra chính sách hỗ trợ đầu tư mang tính đột phá, chọn lọc cao nhằm đảm bảo vị thế cạnh tranh của Việt Nam, đặc biệt giữ chân và thu hút các doanh nghiệp đại bàng với chuỗi cung ứng và mạng lưới doanh nghiệp vệ tinh lớn, có ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Cuộc cạnh tranh gay gắt thu hút dự án công nghệ cao

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay, các quốc gia tập trung thu hút vào lĩnh vực công nghệ cao nói chung, trong đó có các lĩnh vực là xu hướng của thế giới như chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI). Nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc và các quốc gia Châu Âu hay thậm chí các quốc gia láng giềng như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan đều có các chính sách hỗ trợ đa dạng và hấp dẫn, với việc áp dụng song song các chính sách ưu đãi trên thu nhập (miễn, giảm thuế) và ưu đãi dựa trên chi phí với các gói hỗ trợ có thể lên đến nhiều tỷ USD. Ví dụ như Thái Lan phân bổ 50 – 70% số tiền thu thuế bổ sung vào “Quỹ nâng cao năng lực” để hỗ trợ doanh nghiệp. Các khoản hỗ trợ dự kiến bằng tiền hoặc tương đương tiền theo các điều kiện cụ thể. Nhờ sự phản ứng nhanh trong việc đổi mới chính sách, các quốc gia này, đặc biệt các quốc gia láng giềng trong khu vực Đông Nam Á, đã thu hút được những dự án rất lớn trong lĩnh vực công nghệ cao.

Có thể kể đến Malaysia trong tháng 5/2024 vừa qua đã công bố một loạt dự án lớn gồm Dự án Cloud và AI của Microsoft với vốn đầu tư 2,2 tỷ USD, Dự án Trung tâm Dữ liệu của Google với vốn đầu tư 2 tỷ USD. Ngoài ra, một số tập đoàn lớn cũng đã công bố kế hoạch đầu tư của mình như ByteDance (công ty mẹ của Tiktok) dự kiến đầu tư 2,13 tỷ USD thành lập trung tâm dữ liệu. Trước đó, tháng 12/2023, Nvidia cũng hợp tác đầu tư xây dựng Trung tâm AI trị giá 4,3 tỷ USD.

Tại Việt Nam, mặc dù thu hút ĐTNN vẫn tăng trưởng qua các năm gần đây nhưng số lượng các dự án quy mô vốn đầu tư lớn với hàm lượng công nghệ cao còn khiêm tốn. Việc mở rộng của một số dự án công nghệ cao có dấu hiệu tạm ngừng, một số doanh nghiệp đã thông báo chính thức về việc đang tạm dừng kế hoạch đầu tư mới, mở rộng tại Việt Nam. Ngoài ra, một số tập đoàn lớn đã đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư, nhưng không lựa chọn hoặc lựa chọn chờ đợi nhằm theo dõi phản ứng chính sách của Việt Nam.

Theo Bộ KH&ĐT, với mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài đầy tham vọng, khoảng 150 – 200 tỷ USD giai đoạn 2021 – 2025 và 200 – 300 tỷ USD giai đoạn 2026 – 2030, và trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện tại, thì việc đưa ra chính sách hỗ trợ đầu tư mới ở thời điểm này là vô cùng cấp thiết.

Doanh nghiệp nào sẽ được hưởng hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ đầu tư?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện Dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư. Tại hồ sơ Dự thảo Nghị định gửi xin ý kiến ngày 29/6, Bộ KH&ĐT cho biết, việc xây dựng Nghị định đảm bảo nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và nhà nước, tác động tối thiểu đến ngân sách nhà nước; ứng xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp, hài hòa cho các đối tượng áp dụng, bao gồm doanh nghiệp hiện hữu và nhà đầu tư mới; đảm bảo tính khả thi, công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, cơ cấu tổ chức tinh gọn, hiệu quả,… Chính sách này không nhằm bù đắp cho các nhà đầu tư thuộc phạm vi thuế tối thiểu toàn cầu, mà mục tiêu để khuyến khích cho tất cả các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí thuộc lĩnh vực đầu tư ưu tiên, đồng thời thể hiện tinh thần “thiện chí đồng hành” của Chính phủ Việt Nam đối với các nhà đầu tư trong bối cảnh tình hình quốc tế thay đổi.

Theo Dự thảo, đối tượng thụ hưởng chính sách là doanh nghiệp công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao; doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển.

Các tiêu chí và điều kiện để được hưởng ưu đãi được quy định cụ thể. Đối với doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao/doanh nghiệp công nghệ cao/ doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao, quy mô vốn đầu tư của dự án tối thiểu 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu tối thiểu 20.000 tỷ đồng/năm; phải hoàn thành giải ngân tối thiểu 12.000 tỷ đồng trong thời hạn 5 năm hoặc 10.000 tỷ đồng trong thời gian 3 năm. Trường hợp đầu tư trong lĩnh vực chip, mạch tích hợp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo thì dự án có quy mô vốn tối thiểu 6.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu tối thiểu 10.000 tỷ đồng/năm. Trường hợp sản xuất sản phẩm công nghệ cao độc quyền, với công nghệ đứng đầu thế giới thì không phải xác định theo quy mô hoặc doanh thu.

Tiêu chí và điều kiện đối với doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển là quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng; phải hoàn thành giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm.

Phương thức hỗ trợ là chi trực tiếp bằng tiền để hỗ trợ chi phí. Theo Bộ KH&ĐT, phương thức này phù hợp với các khuyến nghị của OECD trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng. Đây cũng là phương thức hỗ trợ mà các quốc gia trong khu vực đang áp dụng, trong khi đó tại Việt Nam chưa được cụ thể tại các văn bản pháp luật.

Dự thảo Nghị định quy định hỗ trợ tối đa 50% đối với chi phí doanh nghiệp thực tế đã chi trong năm cho hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực là người lao động Việt Nam; hỗ trợ tối đa 30% đối với chi phí doanh nghiệp thực tế đã chi trong năm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển; hỗ trợ tối đa 10% đối với chi phí đầu tư tạo tài sản cố định mà doanh nghiệp thực tế đã đầu tư tăng thêm; hỗ trợ tối đa 3% giá trị sản xuất gia tăng của sản phẩm; hỗ trợ tối đa 25% đối với các loại chi phí đầu tư hệ thống công trình xã hội.

Bộ KH&ĐT lý giải việc lựa chọn các khoản chi phí được hỗ trợ dựa trên một số tiêu chí, như các khoản chi phù hợp với mục tiêu của chính sách thí điểm hỗ trợ đầu tư cho ngành công nghệ cao, có tính đột phá, tập trung vào các chi phí thiết yếu trong cơ cấu chi phí của doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất trong lĩnh vực công nghệ cao. Các khoản chi mang tính hỗ trợ nguồn lực đầu tư thực chất, có lợi cho Việt Nam về bản chất kinh tế, phù hợp với định hướng phát triển. Các khoản chi hỗ trợ phù hợp với thông lệ quốc tế, dựa trên tham khảo kinh nghiệm các quốc gia khác trên thế giới…

Bộ KH&ĐT đề xuất mô hình quỹ hỗ trợ đầu tư là Quỹ quốc gia hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện chức năng tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí để hỗ trợ chi phí cho các doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chí và điều kiện quy định tại Nghị định… Nguồn thu của Quỹ từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác.

Chuyên đề