Cấp bù lãi suất: Kiểm soát chặt, tránh thất thoát, lãng phí

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Quy mô gói cấp bù lãi suất cho ngân hàng để giảm lãi suất cho doanh nghiệp vay được đề xuất tương đương một phần tư gói hỗ trợ thực hiện năm 2009. Trong lúc nguồn lực ngân sách nhà nước rất eo hẹp, chương trình này (nếu có) cần được thực hiện một cách công khai, minh bạch và có kiểm soát.
Dự kiến quy mô gói cấp bù lãi suất ở mức 3.000 tỷ đồng, tương đương quy mô dư nợ tín dụng khoảng 100.000 tỷ đồng. Ảnh: Phú An
Dự kiến quy mô gói cấp bù lãi suất ở mức 3.000 tỷ đồng, tương đương quy mô dư nợ tín dụng khoảng 100.000 tỷ đồng. Ảnh: Phú An

Tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Chính phủ trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp tháng 10 (dự kiến khai mạc ngày 20/10) việc cấp bù lãi suất cho ngân hàng để giảm lãi suất cho doanh nghiệp vay.

Về nội dung này, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, NHNN đã bàn bạc với Bộ Tài chính, dự kiến gói cấp bù lãi suất ở mức 3.000 tỷ đồng, tương đương quy mô dư nợ tín dụng khoảng 100.000 tỷ đồng. Theo ông Tuấn Anh, việc đưa ra gói hỗ trợ này là cần thiết song phải có cơ chế rõ ràng, cụ thể để chính sách phát huy hiệu quả, đồng thời phải bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô.

Theo TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, cấp bù lãi suất không phải là cách làm mới mà đã có bài học từ năm 2009 khi ngân sách nhà nước sử dụng khoảng 17 nghìn tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD thời điểm đó) cho gói hỗ trợ lãi suất. Tổng số tiền cấp bù thực hiện là 12 nghìn tỷ đồng trên tổng dư nợ tín dụng hơn 400 nghìn tỷ đồng.

“Kết quả thực hiện năm 2009 nhìn chung là chưa hiệu quả và có một số hệ lụy về lạm phát, tình trạng đầu cơ tài sản. Do đó, cách làm hiện nay cần phải khác trước, theo hướng thận trọng và có kiểm soát để tránh thất thoát, lãng phí, đặc biệt trong giai đoạn ngân sách nhà nước đang rất khó khăn”, ông Thành nói.

Bài học hơn 10 năm trước từ gói hỗ trợ lãi suất 17 nghìn tỷ đồng cho thấy, cần một cơ chế đặc biệt trong bối cảnh đặc thù với những nguyên tắc và điều kiện cụ thể để ngân hàng xem xét cho vay và doanh nghiệp có thể tiếp cận. Cơ chế đó cũng bao gồm việc kiểm soát rủi ro trước, sau và trong khi cho vay.

Liên quan đến gói hỗ trợ lãi suất 17 nghìn tỷ đồng nói trên, Kiểm toán Nhà nước cho biết đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 52 tỷ đồng. Ngoài ra, thanh tra nội bộ ngân hàng đã phát hiện các tổ chức tín dụng chi hỗ trợ lãi suất sai đối tượng và đã thu hồi khoảng 200 tỷ đồng. Cơ quan kiểm toán đã phát hiện sai phạm ở các hình thức: cho vay không đúng đối tượng; khách hàng sử dụng vốn vay hỗ trợ lãi suất không đúng mục đích; cho vay hỗ trợ lãi suất để thanh toán tiền hàng, nhưng thực tế khách hàng không còn nợ…

TS. Nguyễn Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, bài học hơn 10 năm trước cho thấy cần một cơ chế đặc biệt trong bối cảnh đặc thù với những nguyên tắc và điều kiện cụ thể để ngân hàng xem xét cho vay và doanh nghiệp có thể tiếp cận. Cơ chế đó cũng bao gồm việc kiểm soát rủi ro trước, sau và trong khi cho vay.

Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, hiện nhiều ngân hàng vẫn e ngại khi nhắc đến việc cấp bù lãi suất vì bài học từ năm 2009 với hệ lụy về tín dụng tăng nhanh, lạm phát cao, khâu quyết toán kéo dài, thậm chí đến nay vẫn chưa quyết toán đầy đủ phần cấp bù lãi suất.

Do đó, ông Lực cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc thực hiện gói hỗ trợ là cần thiết nhưng phải có điều kiện. Đó là, cần có cơ chế cho phép cho vay đối với cả doanh nghiệp không thể chứng minh khả năng tài chính, có thể thiếu tài sản bảo đảm nhưng có triển vọng phục hồi. Bên cạnh đó, phải xác định rõ nguồn tiền cụ thể từ ngân sách nhà nước dùng cho gói hỗ trợ này. Thời hạn hỗ trợ xác định tối đa 1 năm vì ngân sách nhà nước có hạn và thời hạn đó cũng phù hợp với dự báo dịch Covid-19 có thể cơ bản được kiểm soát trong năm nay. Đồng thời, hỗ trợ phải có trọng tâm, hướng tới một số đối tượng, địa bàn chịu tác động tiêu cực bởi dịch bệnh. Điều này được rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ năm 2009 khi làm đại trà, sau đó lại bổ sung 2 gói hỗ trợ cho vay trung hạn khác.

Từ góc độ khác, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính cho rằng, việc thực hiện gói cấp bù này là cần thiết nhưng phải đảm bảo kiểm tra, giám sát thường xuyên các ngân hàng cho vay với cơ chế thanh kiểm tra chặt chẽ, gắn trách nhiệm người thực hiện. “Điều quan trọng nhất là phải công khai, minh bạch trong hoạt động cho vay để các bên cùng giám sát thực thi”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Chuyên đề