Nhiều nhà thầu đã nỗ lực thi công trông bối cảnh huy động vốn cho dự án gặp khó |
Nhà đầu tư sắp trắng tay, nhà thầu kiệt sức
Cuộc họp ngày 24/7/2019 đề cập đến việc nhà thầu trưng băng rôn dừng thi công vì chưa được thanh toán công nợ. Công ty TNHH Thành Nơi, một nhà thầu phụ thi công gói thầu XL13, trước đó đã đột ngột cho dừng thi công, căng băng rôn đòi nợ.
Tại cuộc họp, nhà thầu Thành Nơi cho biết, hơn 3 tháng qua, công ty đã nỗ lực không ngừng, dù khó khăn nhưng tất cả các gói thầu đều rầm rộ thi công. Công ty đã huy động tiền của từ gia đình, bạn bè, họ hàng cho để làm, mong muốn hoàn thành phần nhiệm vụ của mình. “Nhưng nay chúng tôi đã kiệt sức, nợ nần đuổi theo sau lưng. Chúng tôi đang lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, chết dở sống dở. Việc căng băng rôn đòi nợ và dừng mọi công việc trên công trường là việc bất đắc dĩ…”, đại diện nhà thầu than thở.
Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận thông tin, trong tổng số 25 gói thầu thì chỉ có 6 gói thầu thi công đúng nghĩa. Các gói thầu còn lại thi công cầm chừng, thậm chí một số gói thầu dừng hẳn việc thi công do không còn tiền.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó TGĐ Công ty CP Đầu tư Tuấn Lộc cho biết, nhà đầu tư này đang vướng vào tình thế “đuối sức”, thậm chí “trắng tay” vì dự án này. Theo ông Thắng, Tuấn Lộc đã rót vào dự án hơn 500 tỉ đồng để thi công các hạng mục.
Một nhà đầu tư khác có tỷ lệ góp vốn 10% là Công ty B.M.T cũng cho biết đang thật sự khó khăn. Ông nói: “Việc các nhà đầu tư, nhà thầu bỏ tiền vào đây và sa lầy là điều không ai mong muốn. Việc một nhà thầu căng băng rôn đòi nợ chỉ là khởi đầu cho rất nhiều vấn đề của toàn bộ dự án. Nếu tình trạng này lan ra nhiều thầu phụ khác, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng thi công của dự án là không thể lường trước. Là nhà đầu tư, chúng tôi hiểu sớm hay muộn xảy ra mà thôi. Bởi hiện nay, nguồn vốn tín dụng và vốn ngân sách hỗ trợ rất khó sắp xếp cho dự án".
Ách tắc khâu phê duyệt điều chỉnh dự án
Dự án cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận có số phận khá lận đận và đang vướng vào những rắc rối không thể gỡ trong ngày một ngày hai.
UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, từ khi Bộ GTVT chuyển giao dự án cho Tỉnh, địa phương này đã nỗ lực hết sức để cùng các nhà đầu tư, nhà thầu vượt khó thi công. Tỉnh đã xin ý kiến Bộ GTVT nhưng chưa thể thống nhất về giải pháp, phương án của các nhà đầu tư liên quan đến xử lý nền đất yếu cũng như điều chỉnh kết cấu mặt đường-một yếu tố kỹ thuật quan trọng liên quan đến phương án thi công, chi phí….
Đây là những hệ quả trực tiếp của tình trạng thay nhà nước có thẩm quyền giữa đường của dự án lớn này. Theo đó, đến nay, Doanh nghiệp dự án đã trình hồ sơ điều chỉnh tổng thể dự án, nên có những hạng mục thay đổi. Hồ sơ điều chỉnh dự án đã được Hội đồng Nghiệm thu nhà nước, Viện Kinh tế - Bộ Xây dựng và Bộ GTVT thẩm định, thông qua. Tuy nhiên hiện UBND tỉnh Tiền Giang chưa phê duyệt điều chỉnh dự án, chưa ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh dự án. Do đó, nếu phần vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ hoàn thành thì tiếp đến nguồn vốn tín dụng cũng sẽ bị tắc bởi các việc cung cấp hồ sơ điều chỉnh dự án để Ngân hàng thẩm định cũng chưa được đáp ứng.
UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, để không đẩy dự án vào tình trạng đóng băng, sẽ chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ phê duyệt điều chỉnh dự án để hoàn chỉnh các thủ tục vay vốn.
Đến nay, các nhà đầu tư đã tự ứng ra gần 2.500 tỉ đồng và nhà thầu khoảng 500 tỉ đồng để thi công. Công ty CP BOT Trung Lương Mỹ Thuận khẳng định, tái khởi động được 3 tháng, khối lượng thi công đạt bằng hơn 10 năm qua cho thấy nỗ lực của các nhà đầu tư, nhà thầu như thế nào. Nhưng những khó khăn về giải ngân vốn, sắp xếp vốn cho dự án đang nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà đầu tư, tỉnh Tiền Giang.