Tỉnh Cao Bằng đề nghị được làm chủ đầu tư, đứng ra huy động vốn làm dự án cao tốc Đồng Đăng- Trà Lĩnh (ảnh: ANTĐ) |
Nằm cách Thủ đô Hà Nội gần 300km, Cao Bằng là tỉnh có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài nhất (hơn 333km). Tuy hệ thống cửa khẩu dày đặc, nhưng bao năm qua Cao Bằng vẫn chỉ được biết đến là một tỉnh miền núi nghèo và khó khăn bậc nhất cả nước. Hiện nay, để tiếp cận Cao Bằng phải di chuyển bằng đường bộ với hai tuyến QL3 (Hà Nội – Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng) và QL.4A (Hà Nội – Lạng Sơn – Cao Bằng), thời gian di chuyển từ 7 - 8 tiếng.
Trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh Cao Bằng, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận bổ sung vào quy hoạch tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) dài 144km tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 01/03/2016 về Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 47.000 tỷ đồng.
Mặc dù Quy hoạch dự án đã được duyệt nhưng công tác kêu gọi đầu tư tuyến cao tốc có nghĩa quan trọng này lại rơi vào bế tắc. Dự án đi qua khu vực địa hình phức tạp, kéo dài, tổng vốn đầu tư lớn, trong bối cảnh Ngân sách đang khó khăn, nếu trông chờ nguồn vốn đầu tư công thì rất khó để thực hiện được dự án này, vì thế tỉnh Cao Bằng chuyển hướng sang kêu gọi các nhà đầu tư nghiên cứu triển khai bằng hình thức đối tác công tư (PPP), nhưng suốt nhiều năm, Cao Bằng càng kêu gọi các Nhà đầu tư càng lảng tránh.
Ông Hoàng Xuân Ánh - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, thời gian qua đã có nhiều nhà đầu tư, trong đó có 2 nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm, tham gia tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư dự án đường cao tốc Trà Lĩnh - Đồng Đăng, nhưng chưa có nhà đầu tư nào thực sự mặn mà.
“Họ chỉ dừng lại ở mức độ quan tâm, đến tìm hiểu rồi lại ra đi. Thậm chí, một số doanh nghiệp đến nghiên cứu chỉ mong muốn tìm giải pháp đốc thúc Chính phủ Việt Nam vay vốn nước ngoài thực hiện dự án để họ được làm nhà thầu thi công. Đó là trở ngại rất lớn cho Cao Bằng” - ông Ánh nói.
Mới đây, Đèo Cả - một doanh nghiệp tư nhân về đầu tư hạ tầng giao thông của Việt Nam có nguyện vọng tham gia nghiên cứu dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Dù đã có năng lực và kinh nghiệm thực hiện các dự án PPP, nhưng với “đặc thù” của vùng biên giới, nhà đầu tư nội địa này cũng tỏ ra lo lắng về “rủi ro” tư duy nhiệm kỳ và thay đổi chính sách tại địa phương.
Theo nghiên cứu của đơn vị tư vấn, tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh được điều chỉnh hướng tuyến kết nối với cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng để rút ngắn 29km so với quy hoạch, giảm tổng chiều dài của dự án xuống còn 115km, bao gồm 4 làn xe cơ giới, nền đường rộng 17m, tốc độ thiết 80km/h… Tổng mức đầu tư dự án khoảng 20.938 tỷ đồng, giảm hơn 26.000 tỷ đồng so với nghiên cứu đề xuất của các Nhà đầu tư trước đó.
Kết quả khảo sát và dự báo nhu cầu vận tải cho thấy, tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh trong khoảng 10 năm đầu khai thác (2023 - 2032) đạt khoảng 6.000 - 10.000 xe/ngày đêm, chỉ bằng 1/3 so với cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn tại cùng thời điểm.
Nhà đầu tư cho rằng, phương án cụ thể sẽ được tính toán cân đối sau khi có cơ sở về các nguồn vốn tham gia đầu tư, bảo đảm bù đắp thiếu hụt lưu lượng, vốn Ngân sách nhà nước tham gia trong cơ cấu vốn đầu tư, lộ trình thực hiện từ năm 2019-2020 khi các bên liên quan Cơ quan là Nhà nước có thẩm quyền, tư vấn… phải xong bước chuẩn bị đầu tư. Cùng với việc tháo gỡ các “rào cản” chính sách, Dự án có thể bắt đầu từ năm 2020-2025.