Bất kỳ một sự can thiệp nào của Mỹ vào khu vực Trung Đông cũng có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng dầu và khiến cho việc vận chuyển dầu từ khu vực này ra nước ngoài trở nên khó khăn hơn. |
Giá dầu thô tại Mỹ phiên ngày thứ Ba đạt mức cao nhất trong 2 tuần, trong khi giá dầu tại Anh lập đỉnh kể từ năm 2014, trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại về khả năng xảy ra hành động quân sự tại Trung Đông.
Hãng tin CNBC cho biết, giá dầu thô Brent tại thị trường London tăng 2,39 USD/thùng, tương đương tăng 3,5%, chốt ở mức 71,04 USD/thùng. Tại thị trường New York, giá dầu thô WTI tăng 2,09 USD/thùng, tương đương tăng 3,3%, đóng cửa ở mức 65,51 USD/thùng.
Những lo ngại về địa chính trị đã kéo giá dầu tăng phiên này, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy kế hoạch thăm một loạt quốc gia ở khu vực Nam Mỹ để tập trung tìm giải pháp ứng phó với những diễn biến gần đây ở Syria.
Vào hôm thứ Hai, ông Trump đã có cuộc thảo luận tại Nhà Trắng với các quan chức quân sự Mỹ về cách đáp trả vụ tấn công nghi là sử dụng vũ khí hóa học ở Syria. Washington cho rằng đây là vụ tấn công được thực hiện bởi quân đội của Tổng thống Syria Bashar al-Assad nhằm vào người dân thường Syria.
Bất kỳ một sự can thiệp nào của Mỹ vào khu vực Trung Đông cũng có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng dầu và khiến cho việc vận chuyển dầu từ khu vực này ra nước ngoài trở nên khó khăn hơn.
Tình hình càng "nóng" khi thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia ngày thứ Ba nói rằng nước này có thể tham gia vào hành động quốc tế đáp trả vụ tấn công ở Syria.
Theo hãng tin Reuters, Mỹ và các đồng minh đang cân nhắc khả năng tiến hành không kích nhằm vào lực lượng của ông Assad.
Cơ quan kiểm soát không lưu châu Âu Eurocontrol cảnh báo tên lửa không đối đất hoặc tên lửa hành trình có thể được sử dụng ở Syria trong vòng 72 giờ tới, cảnh báo về nguy cơ gián đoạn thiết bị dẫn đường radio.
"Đã có những dòng tít báo nói một hàng không mẫu hạm Mỹ đang di chuyển về phía Trung Đông… Ngoài ra, giá dầu còn tăng sau khi Chủ tịch Trung Quốc đưa ra tuyên bố mềm mỏng về thuế quan và thương mại", ông Roberto Friedlander, trưởng bộ phận giao dịch năng lượng thuộc Seaport Global Securities, nhận định về những lý do đưa giá dầu tăng mạnh phiên này.
Phát biểu tại Diễn đàn Bác Ngao về châu Á diễn ra tại đảo Hải Nam, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc sẽ mở rộng cửa thị trường hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài. Cho tới nay, quyền tiếp cận thị trường của các công ty nước ngoài ở Trung Quốc là một vấn đề gây căng thẳng quan hệ giữa Washington với Bắc Kinh. Ngoài ra, ông Tập cũng nói Trung Quốc sẽ giảm thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng, trong đó có ô tô.
Bài phát biểu của ông Tập đã giúp xoa dịu phần nào căng thẳng thương mại Trung-Mỹ, sau khi hai nước mấy tuần qua liên tục "ăn miếng trả miếng" bằng cách dựng hàng rào thuế quan đối với hàng hóa của nhau.
Dầu thô còn tăng giá sau khi hãng tin Bloomberg đăng một bản tin nói rằng Saudi Arabia đang tìm cách làm cho giá dầu thô Brent tăng lên 80 USD/thùng để hỗ trợ định giá cho tập đoàn dầu lửa quốc gia khổng lồ Aramco trước khi hãng này phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia, ông Khalid al-Falih, nói rằng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) sẽ tiếp tục hạn chế nguồn cung để hỗ trợ giá dầu. Ông al-Falih tuyên bố sẽ tìm cách gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng OPEC-Nga, thỏa thuận dự kiến hết hạn vào tháng 12 năm nay.
Sáng nay (11/4), giá dầu thế giới giảm nhẹ sau khi số liệu của Viện Dầu lửa Hoa Kỳ (API) cho thấy tồn kho dầu của Mỹ tăng mạnh hơn dự kiến.
Lúc gần 9h theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent giảm 0,26 USD/thùng so với đóng cửa hôm qua, còn 70,78 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 0,13 USD/thùng, còn 65,38 USD/thùng.
Theo API, tồn kho dầu thô của Mỹ tăng 1,8 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 6/4, đạt mức 429,1 triệu thùng, thay vì giảm 189.000 thùng như dự báo trước đó.
Ngoài ra, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu thô của Mỹ trong năm 2019 sẽ tăng mạnh hơn dự báo do sản lượng dầu đá phiến tăng. EIA nói rằng sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ tăng 750.000 thùng/ngày trong năm 2019, đạt 11,44 triệu thùng/ngày, thay vì mức dự báo đưa ra hồi tháng trước là tăng 570.000 thùng/ngày, đạt 11,27 triệu thùng ngày.
Với mức sản lượng như vậy, Mỹ sẽ trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, vượt qua Nga - quốc gia hiện khai thác nguồn năng lượng này với tốc độ 11 triệu thùng/ngày.