Canada "mất" 252 triệu USD do cơ chế giải quyết tranh chấp trong NAFTA

Theo báo cáo của Trung tâm Các giải pháp Chính sách Canada (CCPA), nước này đã phải chi tổng cộng 314 triệu đôla Canada (CAD, tương đương 252 triệu USD) cho các hoạt động theo cơ chế giải quyết tranh chấp quy định trong Chương 11 của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: financialpost.com)
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: financialpost.com)

Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư trong Chương 11 của NAFTA cho phép các công ty đệ đơn kiện chính phủ nếu như bị ảnh hưởng bất lợi từ các chính sách mới do chính phủ ban hành. Vì thế, Mỹ muốn giảm nhẹ hiệu lực của cơ chế này bằng cách chuyển từ quy định “mang ràng buộc” thành quy định “không mang tính ràng buộc” hoặc “tự nguyện.”

Theo ông Scott Sinclair, chuyên viên nghiên cứu cấp cao của CCPA, hiện nay các cuộc tái đàm phán NAFTA đang mở ra cơ hội cho việc loại bỏ, hoặc ít nhất là vô hiệu hóa, cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư.

“Tôi thực sự nghĩ rằng các nhà đàm phán và các chính phủ đang cân nhắc lựa chọn của mình. Chính phủ Mỹ muốn chuyển cơ chế này thành quy định không bắt buộc. Các yêu cầu khác của Chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể gây bất lợi cho Canada, nhưng việc này thì không,” ông Scott Sinclair nói.

Kể từ khi được đưa vào thực hiện năm 1994, Chương 11 luôn được coi là “phao cứu sinh” cho các doanh nghiệp ở Bắc Mỹ trong việc giải quyết tranh chấp với các chính phủ nước ngoài mỗi khi bị áp các tiêu chuẩn hay quy đinh mang tính phân biệt đối xử. Trong khi đó, Chương 20 cho phép các chính phủ kiện chính phủ, còn Chương 19 cho phép các doanh nghiệp kiện các quyết định áp thuế trừng phạt, bao gồm thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp, giống như các mức thuế đang được Bộ Thương mại Mỹ áp đặt đối với một số mặt hàng gỗ mềm và dòng máy bay dân dụng cỡ nhỏ C-Series của hãng Bombardier của Canada.

Chính quyền của Tổng thống Trump muốn tìm cách giảm thiểu hay loại bỏ phần lớn các quy định trong 3 chương này, đặc biệt là Chương 19, vì cho rằng chúng chỉ khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ chuyển việc làm sang thị trường Mexico.

Tuy nhiên theo CCPA, trong ba nước Bắc Mỹ Canada phải nhận nhiều đơn kiện nhất, gấp đôi số đơn kiện của cả Mỹ và Mexico cộng lại nếu tính trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến nay. Ngoài ra, trong khi Canada thắng 9 đơn kiện và thua tám đơn kiện, thì Mexico thắng bảy, thua năm; còn Mỹ thắng toàn bộ 11 đơn kiện.

Hiện tại, Canada đang phải đối mặt với tám đơn kiện đang trong quá trình xử lý với tổng số thiệt hại ước tính lên tới hơn 475 triệu CAD (381,2 triệu USD). Lori Wallach, thành viên tổ chức Public Citizen có trụ sở tại Washington, cho biết Canada đứng đầu nhóm nước phát triển bị khởi kiện và thua kiện theo cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư. Do đó, Canada nên xem xét đồng ý với lập trường của Mỹ trong vấn đề này, qua đó cho phép các chính phủ được lựa chọn tham gia hoặc rút khỏi Chương 11 để đổi lấy nhượng bộ trong một số lĩnh vực khác.

Tuần trước, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland cho biết nước chủ nhà sẽ đưa ra một vài ý tưởng “sáng tạo” tại vòng 6 tái đàm phán NAFTA để đối phó với những đề xuất “khác thường” của Mỹ. Mặc dù bày tỏ hy vọng tiến trình tái đàm phán NAFTA sẽ đạt kết quả tốt song bà Freeland cho biết Canada vẫn sẵn sàng cho kịch bản xấu nhất khi Mỹ rút khỏi NAFTA. Ngày 23/1, vòng 6 tái đàm phán NAFTA đã chính thức khai mạc tại thành phố Montreal của Canada.

NAFTA là hiệp định thương mại tự do giữa Mexico, Mỹ và Canada, có hiệu lực từ ngày 1/1/1994. Theo thống kê, trao đổi thương mại giữa ba quốc gia này đạt trên 1.200 tỷ USD trong năm 2017./.

Chuyên đề