Cẩn trọng với đề xuất đầu tư sân bay của các địa phương

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian gần đây, nhiều địa phương có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải xin đầu tư xây dựng cảng hàng không trên địa bàn theo phương thức đối tác công tư (PPP). Theo các chuyên gia, cơ quan chức năng và cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư cần cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng về yếu tố an ninh, tính khả thi và hiệu quả đầu tư của các dự án cảng hàng không ở địa phương.
Cần cân nhắc kỹ lưỡng về yếu tố an ninh, tính khả thi và hiệu quả khi đầu tư các dự án cảng hàng không. Ảnh: Lê Tiên
Cần cân nhắc kỹ lưỡng về yếu tố an ninh, tính khả thi và hiệu quả khi đầu tư các dự án cảng hàng không. Ảnh: Lê Tiên

UBND tỉnh Quảng Trị vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải đề xuất đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị theo phương thức PPP với mong muốn xây dựng cảng hàng không nội địa, sân bay dùng chung dân dụng cấp 4C và quân sự cấp II, công suất 1 triệu hành khách/năm và 3.100 tấn hàng hóa/năm; có diện tích sử dụng đất 316,572 ha tại các xã Gio Quang, Gio Mai, huyện Gio Linh.

Từ đầu năm 2020 đến nay, một số địa phương khác như Bình Phước, Hà Giang, Bắc Giang, Ninh Bình cũng có đề xuất tương tự với Bộ Giao thông vận tải xin phép xây dựng cảng hàng không hoặc cho phép chuyển sân bay quân sự thành sân bay lưỡng dụng.

Theo bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đứng ở góc độ địa phương thì tỉnh nào cũng muốn có sân bay, xây dựng cảng hàng không riêng để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đầu tư vào các dự án cảng hàng không dù bằng ngân sách nhà nước hay theo phương thức PPP thì nguồn vốn là rất lớn, cần phải xem xét kỹ yếu tố hiệu quả đầu tư. Phải nghiên cứu kỹ lưỡng và đánh giá được lợi ích của toàn xã hội khi thực hiện đầu tư dự án rồi mới bắt tay vào làm, phải tính khả năng chi trả của người dân thông qua thu phí và khả năng thu hồi vốn đầu tư nếu thực hiện theo phương thức PPP. Hơn nữa, việc đầu tư các dự án sân bay cần phải xem xét kỹ yếu tố quy hoạch tổng thể, việc đầu tư dự án có phù hợp với quy hoạch hay không.

Ông Trần Kỳ Sơn, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì cho rằng, hiện nay ở Việt Nam mới chỉ có Sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) được đầu tư theo phương thức PPP. Chúng ta nên đánh giá hiệu quả đầu tư dự án này, xem xét ở nhiều góc độ trước khi nhân rộng mô hình sang các địa phương khác. Đặc biệt, theo một số chuyên gia, dự án PPP cảng hàng không không phải là dự án PPP đơn thuần bởi nó tác động đến quy hoạch sử dụng đất, diện tích sử dụng đất rất lớn, liên quan đến yếu tố an ninh hàng không, an toàn vận hành không chỉ trong khuôn viên dự án mà còn ở khu vực xung quanh. Bên cạnh đó, cần tính toán xem lưu lượng khách có đáp ứng được công suất thiết kế hay không. Khi xác định làm PPP thì chất lượng dự án, tính khả thi, hiệu quả đầu tư phải đặt lên hàng đầu, chứ không thể làm theo phong trào.

Hầu hết các địa phương đều muốn làm sân bay riêng, mở rộng sân bay quân sự thành sân bay lưỡng dụng, đều chủ động ưu tiên nguồn lực của địa phương để thực hiện công tác cắm mốc quy hoạch sử dụng đất và giải phóng mặt bằng nhằm thu hút các nhà đầu tư. Tuy nhiên, những dự án này có đáng để đầu tư hay không thì cơ quan quản lý nhà nước phải hết sức cân nhắc.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, hiện nay Bộ Giao thông vận tải đang giao cho Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (Tedi) và Công ty Tư vấn ADPi (Pháp) xây dựng, rà soát và hoàn chỉnh báo cáo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Báo cáo quy hoạch này sẽ được trình Bộ Giao thông vận tải xem xét trong tháng 4/2021 trước khi Bộ báo cáo Hội đồng Thẩm định nhà nước đánh giá, cho ý kiến. Theo đó, sẽ cho ý kiến cụ thể đối với từng đề xuất đầu tư dự án xây dựng cảng hàng không của các địa phương.

Chuyên đề