Tuy nhiên, làm thế nào để sớm ổn định tâm lý thị trường địa ốc, trên hết là đảm bảo quyền lợi của người mua nhà trong việc này là vấn đề đang được đặt ra.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, một số ý kiến cho rằng, danh sách các dự án này đã được lập từ năm 2016 và đến nay có không ít chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước; thậm chí một số dự án, cư dân đã chuyển về sinh sống.
Do đó, nếu không sớm phân định rõ ràng từng trường hợp cụ thể, sẽ gây xáo động không đáng có trên thị trường, ảnh hưởng tới quyền lợi của các chủ đầu tư và cả người dân đã mua nhà tại các dự án này.
Chẳng hạn, tại TP.HCM có 11 dự án trong tổng số 60 dự án được đề xuất thanh tra, trong đó qua ghi nhận thực tế, có nhiều dự án đã hoàn thành, người dân đang sinh sống ổn định, có những dự án đang triển khai thi công, có những dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư…
Thông tin sắp bị thanh tra, dù chưa biết thực hư ra sao, nhưng người mua nhà tại các dự án trên đang thấp thỏm như “ngồi trên lửa”.
Giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại quận Tân Bình chia sẻ, những ngày cuối tuần qua, mỗi ngày sàn giao dịch nhận hàng chục cuộc gọi của khách hàng, người thì lo sợ hỏi thăm tình hình dự án, người đặt vấn đề đòi lại tiền đã mua căn hộ…
Dù trấn an khách hàng, nhưng chủ đầu tư của các dự án cũng không kém phần lo lắng. Nếu dự án bị tạm đình chỉ để thanh tra thì tổn thất bằng tiền có thể lượng hóa từ việc chậm tiến độ xây dựng, chi phí bị đội lên, chưa kể việc trễ hẹn bàn giao nhà cho khách và ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp.
Một chủ đầu tư có dự án trong danh sách của Bộ Tài chính bộc bạch, đến thời điểm hiện nay, doanh nghiệp chưa nhận được văn bản nào liên quan đến vấn đề thanh tra dự án. Tuy nhiên, trong câu chuyện này, họ cũng đang là nạn nhân. Bởi lẽ, là doanh nghiệp tư nhân, đây là những dự án họ nhận chuyển nhượng hoặc liên doanh với doanh nghiệp có đất để thực hiện dự án.
Việc xác định giá đất hay định giá dự án như thế nào do hội đồng thẩm định giá đất của địa phương thực hiện, còn doanh nghiệp sau khi đàm phán thấy giá hợp lý thì nhận chuyển nhượng và đã thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Nay bị xếp chung “một rọ” đề xuất thanh tra khiến rất nhiều kế hoạch của doanh nghiệp bị đảo lộn.
Đứng ở góc độ toàn cảnh hơn, trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, trước hết phải khẳng định, việc đề xuất thanh tra các dự án là chủ trương đúng đắn và nên coi là việc bình thường. Bởi theo ông Châu, thực tế lâu nay vẫn còn lỗ hổng trong đấu giá, đấu thầu, có hiện tượng quân xanh, quân đỏ trong các vụ đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất đai làm thất thoát ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, thông tin về việc thanh tra 60 dự án trên đang khiến thị trường hoang mang. Để ổn định tâm lý thị trường, HoREA đã có Văn bản số 47/CV-HoREA ngày 11/5/2017 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ vẫn cho phép các chủ đầu tư được tiếp tục triển khai thi công các dự án nói trên với điều kiện các chủ đầu tư phải có văn bản cam kết thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh (nếu có) đối với dự án sau khi đã có kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền.
Ở góc độ người mua nhà tại các dự án này, theo HoREA, họ là những người vô can, nên không phải chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ tài chính phát sinh của chủ đầu tư dự án (nếu có).
Thiết nghĩ, đó là những kiến nghị hợp lý, nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực không đáng có đối với thị trường bất động sản, tránh lãng phí thời gian và của cải xã hội khi dự án bị dừng thi công. Đồng thời, bên cạnh việc “nghiên cứu đề xuất sửa đổi quy định của Luật Đất đai 2013 về bán đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với quy định về thu hồi đất” như ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, trước mắt, các cơ quan chức năng cần sớm có kế luận, phân định rõ ràng tình trạng pháp lý của các dự án nói trên để ổn định tâm lý, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững thị trường bất động sản.