Cân nhắc 'nâng cấp' SCIC thành siêu ủy ban quản vốn Nhà nước

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý việc thành lập siêu Uỷ ban sẽ tạo điều kiện để các Bộ làm tốt hơn chức năng quản lý với số vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.
Thành lập cơ quan quản lý vốn Nhà nước phải giúp các Bộ làm tốt hơn chứcnăng quản lý, thay vì ỷ lại như hiện nay.Ảnh: T.L
Thành lập cơ quan quản lý vốn Nhà nước phải giúp các Bộ làm tốt hơn chứcnăng quản lý, thay vì ỷ lại như hiện nay.Ảnh: T.L

Quan điểm được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban chỉ đạo Trung ương đổi mới & phát triển doanh nghiệp cho ý kiến về dự thảo báo cáo xây dựng Đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu với doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Cơ quan này được ví như một "siêu ủy ban" bởi khối tài sản khoảng 130 tỷ USD mà nó có trách nhiệm quản lý.

Theo đó, lãnh đạo Chính phủ đề nghị cơ quan soạn thảo là Bộ Kế hoạch & Đầu tư tính toán, cân nhắc các phương án nâng cấp Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) hoặc thành lập một số Tổng công ty như SCIC, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp như ý kiến đề xuất của một số cơ quan, chuyên gia kinh tế.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, siêu uỷ ban được thành lập phải tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn và chức năng quản lý Nhà nước của doanh nghiệp. “Cơ quan này phải sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước của các Bộ, các UBND vốn lâu nay là người đầu tư vốn, tài sản Nhà nước tại các doanh nghiệp”, Phó thủ tướng nói.

Theo đó, siêu ủy ban sẽ giúp tập trung chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp, thay vì phân tán ở các Bộ như hiện nay. Tuy vậy, ban soạn thảo cũng cần làm rõ, việc thành lập siêu uỷ ban sẽ không làm giảm nhẹ, ngược lại tạo điều kiện để các Bộ làm tốt hơn chức năng quản lý Nhà nước đối với vốn, tài sản đầu tư vào doanh nghiệp.

Trước băn khoăn về việc tuyển dụng nhân sự, thu hút nhân tài cho cơ quan này, Phó thủ tướng cho rằng, việc tổ chức, sắpxếp cán bộ sẽ thực hiện trên cơ sở điều chuyển người làm nhiệm vụ này từ các Bộ, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, SCIC về.

"Tuyển dụng mới nhân sự, nhưng phải đảm bảo tinh gọn, chất lượng và hiệu quả, không làm tăng thêm biên chế về tổng thể, theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng", Trưởng ban chỉ đạo Trung ương đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhấn mạnh. 

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư rà soát các văn bản pháp luật liên quan, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành sửa đổi, bổ sung để đảm bảo hiệu quả hoạt động của cơ quan trên khi ra đời.

Tại cuộc hội thảo do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức hồi cuối tháng 8, các chuyên gia Ngân hàng Thế giới tỏ ra khá băn khoăn với mô hình "siêu Uỷ ban" quản lý vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước mà Bộ Kế hoạch & Đầu tư đưa ra. Chuyên gia WB khuyên Việt Nam nên lưu ý tới mô hình một quỹ đầu tư quản lý doanh nghiệp Nhà nước như Temasek (Singapore).

Mô hình này cũng tương tự như Thụy Điển áp dụng và họ cũng đã thu được thành công. "Nghĩa là Việt Nam phải xây dựng mô hình có trách nhiệm giải trình, trong đó chú trọng bảng cân đối kế toán, quản lý rủi ro thương mại và tài sản thương mại. Không nên lập mô hình uỷ ban hành chính", vị chuyên gia WB nhận định.

Dự kiến, dự thảo Đề án này sẽ được trình Thủ tướng, Chính phủ xem xét, cho ý kiến và trình cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương để Chính phủ, Thủ tướng tổ chức thực hiện. 

Chuyên đề