Cần hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, giảm chi phí lãi vay

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hậu Covid-19, ngành xây dựng nhìn chung có nhiều khởi sắc khi khối lượng công việc tăng so với thời điểm dịch bùng phát. Tuy nhiên, kể từ quý III/2022, việc tiếp cận vốn tín dụng gặp khó khăn khi ngân hàng hầu như không cho tăng hạn mức vay hoặc cho vay rất ít, giá trị thẩm định tài sản thế chấp không cao, lãi suất vay lại tăng đáng kể.

Ông Phạm Văn Đạt, Phó Giám đốc Công ty TNHH DTAH

Là đơn vị tư vấn, giúp các bên mời thầu lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu, tư vấn đấu thầu, giám sát thi công các công trình…, chúng tôi nhận thấy, việc không tiếp cận được vốn tín dụng khiến tiến độ thi công bị chậm hoặc phải hoạt động theo kiểu cầm chừng để chờ vốn, hoặc vốn có bao nhiêu thì làm bấy nhiêu. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực sau Covid-19 bị thiếu hụt, rủi ro trong ngành làm cho nguồn nhân lực suy giảm nghiệm trọng.

Đối với doanh nghiệp chúng tôi, nguồn vốn cũng vô cùng quan trọng và luôn cần có sẵn, không chỉ để phục vụ cho đầu tư trang thiết bị sản xuất, mà còn được dùng để chi trả lương cho chuyên gia, nhân viên phụ trách, chi phí vật liệu thi công xây dựng và nhiều chi phí phụ khác. Vì vậy, việc khó tiếp cận nguồn vốn và chi phí tăng cao cũng gây nhiều khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.

Trước những khó khăn trên, chúng tôi mong muống cơ quan quản lý nhà nước có chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp giảm lãi suất vay sản xuất kinh doanh; đào tạo phát triển nguồn nhân lực trẻ, nâng cao năng lực chuyên môn; cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Chuyên đề