Cần đơn giản, linh hoạt trong thủ tục cấp phép khai thác vật liệu san lấp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường là loại khoáng sản rất phổ biến và dễ khai thác ở mọi quy mô. Trên địa bàn trung du và miền núi phía Bắc, nguồn đất, đá làm vật liệu san lấp thường có trữ lượng lớn, tuy nhiên, số lượng các mỏ vật liệu san lấp lại không nhiều bởi thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác khá phức tạp.

Ông Phạm Quang Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Phú (Tuyên Quang)

Đối với trường hợp doanh nghiệp xin cấp mỏ vật liệu, đất đắp đưa vào xây dựng, thủ tục thực hiện phải trải qua nhiều bước theo quy định của Luật Khoáng sản và Thông tư số 01/2016/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đồng thời tuân thủ pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng. Theo đó, trình tự các bước bao gồm: lập hồ sơ thăm dò, khai thác khoáng sản; lập hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp; báo cáo kết quả thăm dò và trình phê duyệt trữ lượng khoáng sản; báo cáo đánh giá tác động môi trường… Để hoàn thành thủ tục, doanh nghiệp thường mất khá nhiều thời gian, ít nhất là 6 - 9 tháng, thậm chí đến 2 năm. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng thông thường này tại các địa phương mang tính liên tục.

Nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xây dựng, cần rà soát, rút ngắn thời gian cấp phép, đơn giản hóa thủ tục hành chính cấp phép khai thác vật liệu san lấp, bỏ bớt các thủ tục không cần thiết để thống nhất quy định về cấp giấy phép khai thác mỏ đất làm vật liệu san lấp sao cho vẫn bảo đảm việc đánh giá trữ lượng, chất lượng, bảo vệ môi trường và bảo đảm an toàn khai thác. Ngoài ra, với các địa phương có trữ lượng khoáng sản dồi dào, có thể chủ động quy hoạch, cấp phép vị trí mỏ gần với các dự án xây dựng đã được phê duyệt chủ trương đầu tư với điều kiện không làm ảnh hưởng đến rừng tự nhiên, rừng đặc dụng. Qua đó vừa tránh được tình trạng độc quyền, vừa rút ngắn được cự ly vận chuyển vật liệu đến chân công trình, đảm bảo nguồn cung, tiết kiệm ngân sách.

Chuyên đề