Tập đoàn Đèo Cả triển khai thi công tại các vị trí mặt bằng có thể tiếp cận - ảnh: Tuấn Linh |
Tập đoàn Đèo Cả cho biết, để đẩy nhanh tiến độ, Nhà đầu tư đang tập trung 120 nhân sự có kinh nghiệm, tay nghề cao và 71 đầu xe máy, thiết bị chuyên dụng với công suất lớn triển khai 4 mũi thi công. Tập đoàn sẵn sàng huy động bổ sung nguồn lực triển khai thi công ngay khi có thêm vị trí mặt bằng được bàn giao nhằm đạt mục tiêu thông tuyến vào tháng 12/2025, đáp ứng chất lượng, tiến độ, an toàn, hiệu quả để đưa vào vận hành trong năm 2026.
Về công tác GPMB, tỉnh Lạng Sơn đã tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ, phối hợp, bàn giao mặt bằng đạt 5,62/59,87 km, tương ứng 9,38%. Để thúc tiến độ, lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn thường xuyên tổ chức kiểm tra thực tế hiện trường và nắm bắt tình hình thực hiện các công việc, chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc tại Dự án.
Ông Lương Văn Hiệp - Tổng giám đốc Công ty CP Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng (doanh nghiệp dự án) cho biết, thực tế quá trình GPMB gặp nhiều vướng mắc do địa bàn thực hiện Dự án trải dài qua 4 huyện, thành phố, 16 xã của tỉnh Lạng Sơn. Doanh nghiệp dự án đã chủ động phối hợp với địa phương và các đơn vị liên quan để xác định các vị trí thuận lợi trong GPMB và thi công, làm cơ sở ưu tiên triển khai GPMB và tổ chức thi công các phân đoạn này.
“Hiện Dự án thiếu khoảng 70 ha chỉ tiêu đất giao thông, Doanh nghiệp dự án kiến nghị UBND tỉnh Lạng Sơn ưu tiên phân bổ đủ chỉ tiêu đất giao thông cho Dự án. Đồng thời, UBND các huyện, thành phố xác lập kế hoạch chi tiết bàn giao mặt bằng phù hợp kế hoạch đề xuất để các bên theo dõi, đôn đốc và kiểm điểm tình hình thực hiện, có giải pháp phê duyệt chính thức hoặc tạm duyệt phương án bồi thường GPMB để giải ngân nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí cho công tác GPMB, sớm bàn giao mặt bằng cho Doanh nghiệp dự án”, ông Hiệp nói.
Dự án Cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng có tổng chiều dài 60 km, gồm đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43 km, được thiết kế với quy mô 4 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 17 m; đoạn kết nối cửa khẩu Tân Thanh - Cốc Nam dài 17 km, với quy mô 2 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 14,5 m.
Dự án có tổng mức đầu tư 11.024 tỷ đồng, được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT, do UBND tỉnh Lạng Sơn là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước tham gia Dự án là 5.495 tỷ đồng (3.500 tỷ đồng ngân sách trung ương, 2.000 tỷ đồng ngân sách địa phương), vốn nhà đầu tư thu xếp là 5.529 tỷ đồng. Tập đoàn Đèo Cả là đơn vị đứng đầu Liên danh nhà đầu tư thực hiện dự án này.