Cần bộ tiêu chí thống nhất đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc nghiên cứu, xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài (ĐTNN) là cấp thiết khi Việt Nam đang chuyển sang chính sách hợp tác ĐTNN chú trọng tới yếu tố chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), sau hơn 30 năm thu hút ĐTNN, khu vực ĐTNN đã trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế. Trong những năm qua, Việt Nam cũng đã và đang chuyển sang thu hút ĐTNN thế hệ mới có chất lượng và hiệu quả cao hơn.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc thu hút và sử dụng ĐTNN thời gian qua còn một số hạn chế, bất cập. Trước hết phải kể đến việc liên kết và hiệu ứng lan tỏa năng suất và công nghệ của khu vực ĐTNN đến khu vực trong nước còn thấp. Bên cạnh đó, tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện thấp so với vốn đầu tư đăng ký; một số doanh nghiệp ĐTNN chưa tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, một số doanh nghiệp ĐTNN có hành vi chuyển giá, thiếu trung thực trong báo cáo tài chính để trốn thuế.

Bộ KH&ĐT cho biết, hiện nay chưa có bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả ĐTNN thống nhất ở các cấp, các ngành, các địa phương làm căn cứ cho việc đánh giá hiệu quả thu hút và sử dụng ĐTNN trên phạm vi quốc gia, ngành và vùng.

Vì thế, việc xây dựng, ban hành Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả ĐTNN sẽ là công cụ hữu hiệu để đánh giá đúng đắn vị trí, vai trò và đóng góp của khu vực ĐTNN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đánh giá việc đạt được các mục tiêu trong công tác hợp tác ĐTNN và trên cơ sở đó, có cơ sở đưa ra các nhận định và giải pháp chính sách phù hợp để quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ĐTNN cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đúng các định hướng và mục tiêu đề ra.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả ĐTNN gồm 36 chỉ tiêu, trong đó có 25 chỉ tiêu về kinh tế, 7 chỉ tiêu về xã hội và 4 chỉ tiêu về môi trường.

Bộ KH&ĐT đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả ĐTNN tại Việt Nam. Theo Tờ trình, Bộ tiêu chí quy định chi tiết các tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá hiệu quả ĐTNN tại Việt Nam để áp dụng đồng bộ, thống nhất trên phạm vi quốc gia, địa phương và ngành nhằm tạo cơ sở pháp lý hoàn chỉnh để tổ chức thực hiện quy định về đánh giá hiệu quả đầu tư; hướng tới hình thành công cụ hoàn chỉnh đánh giá hậu kiểm đối với các dự án ĐTNN nói riêng và dòng vốn ĐTNN nói chung…

Căn cứ yêu cầu với bộ tiêu chí, kinh nghiệm quốc tế, thực trạng số liệu, tính khả thi của việc tính toán các chỉ tiêu và ý kiến góp ý của các bộ, ngành, Bộ KH&ĐT đề xuất Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả ĐTNN gồm 36 chỉ tiêu, trong đó có 25 chỉ tiêu về kinh tế, 7 chỉ tiêu về xã hội và 4 chỉ tiêu về môi trường.

Trong đó, 25 chỉ tiêu về kinh tế được chia thành 5 nhóm: Nhóm chỉ tiêu phản ánh quy mô, đóng góp vào sự phát triển của khu vực ĐTNN (6 chỉ tiêu); Nhóm chỉ tiêu về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp (10 chỉ tiêu); Nhóm chỉ tiêu về đóng góp ngân sách (3 chỉ tiêu); Nhóm chỉ tiêu về tác động lan tỏa của ĐTNN (2 chỉ tiêu); Nhóm chỉ tiêu về công nghệ (2 chỉ tiêu).

Theo đó, nhiều nội dung quan trọng về kinh tế của doanh nghiệp ĐTNN sẽ được đánh giá lại như: số nộp ngân sách nhà nước (NSNN); tỷ trọng nộp NSNN của doanh nghiệp ĐTNN trên tổng thu NSNN; tỷ lệ sử dụng nguyên vật liệu đầu vào trong nước; tỷ lệ doanh nghiệp ĐTNN có liên kết với doanh nghiệp trong nước; tỷ lệ doanh nghiệp ĐTNN sử dụng công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định;…

Đối với các chỉ tiêu về xã hội, doanh nghiệp ĐTNN sẽ được đánh giá trên nhiều khía cạnh tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, bình đẳng giới. Về môi trường, các chỉ tiêu sẽ đánh giá tác động của dự án ĐTNN đối với môi trường và các biện pháp doanh nghiệp bảo vệ môi trường.

Theo nhiều chuyên gia, khi được ban hành, Bộ tiêu chí sẽ giúp theo dõi, nắm bắt, đánh giá sự cân đối giữa giá trị dòng vốn ĐTNN và giá trị nguồn lực sử dụng trong thu hút ĐTNN để có chính sách điều chỉnh nhằm tránh lãng phí nguồn lực trong bối cảnh không thu hút các dự án thâm dụng tài nguyên, lao động. Nguồn lực được phân bổ, tận dụng hiệu quả sẽ gián tiếp đem lại lợi ích được quy định về mặt kinh tế có giá trị cho nhà nước, người dân.

Chuyên đề