Tại Cửa hàng xăng dầu Trần Khát Chân (Hai Bà Trưng, Hà Nội), 3 cột bơm xăng đã bị gắn chíp điện tử nhằm làm giảm lượng xăng thực tế bơm cho khách hàng. Ảnh: Ngọc Thắng |
Sử dụng chíp điện tử để gian lận xăng dầu
Trước đó, vào ngày 14/12/2015, Phòng An ninh kinh tế (PA81) - Công an TP. Hà Nội phối hợp cùng Đội Quản lý thị trường số 14 - Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tiến hành kiểm tra Cửa hàng xăng dầu Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Cửa hàng xăng dầu Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội).
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện tại các cột bơm xăng, dầu của 2 cửa hàng trên có sử dụng thiết bị ngoại lai (chíp điện tử) gắn vào các cột bơm xăng. Cụ thể, tại Cửa hàng Trần Khát Chân có 3 cây bán xăng, dầu gồm 6 cột bơm xăng, trong đó có 3 cột bơm xăng bị gắn chíp điện tử và kiểm tra phát hiện 3 điều khiển từ xa. Cửa hàng trưởng thừa nhận các điều khiển này là để điều khiển 3 chíp điện tử trên cột bơm xăng.
Kết quả điều tra sau này cho thấy, cây xăng Trần Khát Chân là cửa hàng thuộc HFC (Tổng công ty Vận tải Hà Nội nắm giữ 20% cổ phần). Đây là một trong số 27 cửa hàng xăng dầu, chất đốt và cửa hàng dịch vụ tổng hợp hiện đang kinh doanh trên địa bàn TP. Hà Nội của HFC.
Theo quy định của HFC, khi kết thúc ca bán hàng, Trưởng ca và nhân viên bán hàng trong ca chốt sổ đồng hồ cột bơm, kiểm tra tiền, hóa đơn bán hàng, hàng hóa, ghi chép số liệu vào sổ giao ca và chốt số tiền bán hàng trong ca. Sau đó nộp tiền về tài khoản Công ty thông qua hệ thống ngân hàng gần nhất, Công ty không nhận tiền bán hàng bằng tiền mặt.
Trong 2 - 3 ngày bán hàng, Cửa hàng tập hợp hóa đơn bán hàng chuyển về Phòng Tài chính kế toán để kiểm tra, soát xét và lưu. Mức hao hụt đối với xăng các loại là 0,4%, dầu các loại là 0,2% trên lưu lượng hàng xuất bán.
Truy tố tội danh “Lừa dối khách hàng”
Có sự đồng ý của Hạnh, các bị cáo Trình và Hà đã trao đổi và thống nhất cho các nhân viên trong ca quản lý của mình đóng góp tiền để mua chíp điện tử gắn lên các cột bơm.
Do quen biết Hồ Trọng Tuấn, Trưởng phòng Phòng Kinh doanh của HFC, Trình và Hà đã nhờ Tuấn mua chíp điện tử. Hồ Trọng Tuấn tìm đến Lê Đức Phong, Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị xăng dầu Thăng Long, chuyên kinh doanh các loại thiết bị xăng dầu để nhờ mua chíp. Tiếp đó, Lê Đức Phong lại nhờ Ngô Đức Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị xăng dầu Anh Phát tìm mua chíp.
Sau khi mua được chíp, Toàn và Phong đã thông báo giá 3 con chíp là 75 triệu đồng rồi cài đặt con chíp ở mức giảm 5% lượng xăng, dầu bán cho khách hàng. Tổng cộng có 16 cá nhân tham gia vào việc mua bán, lắp đặt, sử dụng con chíp để gian lận xăng dầu và đều bị truy tố theo tội danh “Lừa dối khách hàng” với khung hình phạt từ 2 - 7 năm tù giam.
Căn cứ vào tài liệu, sổ sách, ghi chép số liệu xăng, dầu bán ra từ ngày 1/5/2014 đến ngày 24/12/2015 xác định được doanh thu bán ra tại 3 cột bơm xăng là hơn 160 tỷ đồng. Mỗi chíp điện tử gian lận 5%, nếu xác định chíp điện tử gian lận được sử dụng liên tục thì số tiền gian lận là hơn 8 tỷ đồng. Tuy nhiên, không có căn cứ xác định chíp gian lận được sử dụng liên tục. Do đó, chỉ có căn cứ lời khai và số tiền nhận hàng tháng của các nhân viên để xác định số tiền gian lận là hơn 1,5 tỷ đồng.