Cải tạo chung cư cũ vẫn giậm chân tại chỗ: Cần sửa đổi Nghị định 101/2015 để phù hợp với thực tế

0:00 / 0:00
0:00
Kết quả rà soát của Bộ Xây dựng cho thấy, trên địa bàn cả nước hiện có đến 2.500 chung cư cũ được xây dựng trước năm 1994. Tuy nhiên do hàng loạt nguyên nhân vướng mắc, trong 10 năm qua mới có chưa đầy 3% trong số này được cải tạo, xây dựng mới.
Chung cư xuống cấp nghiêm trọng tại phố Khâm THiên (Hà Nội).
Chung cư xuống cấp nghiêm trọng tại phố Khâm THiên (Hà Nội).

Mới cải tạo, xây mới 3% chung cư cũ

Đáng chú ý trong số 2.500 chung cư cũ nói trên, kết quả rà soát và kiểm định của các cơ quan chức năng đến nay cho thấy có đến 600 nhà chung cư thuộc diện hư hỏng nặng, nguy hiểm cấp C, D, chiếm tỉ lệ tương đương 25%. Trong số này, Hà Nội đứng đầu danh sách các địa phương có số lượng lớn chung cư cũ hư hỏng và nguy hiểm cấp C, D với 179 nhà chung cư, Hải Phòng có 178 chung cư, TPHCM có 130 chung cư và Quảng Ninh có 46 chung cư.

Theo phân tích của Bộ Xây dựng, do số lượng nhà chung cư cũ trên địa bàn toàn quốc rất lớn, lại có tình trạng sở hữu và sử dụng đa dạng thuộc nhiều cơ quan, đơn vị quản lý dẫn đến việc khó tiếp cận, kiểm đếm, rà soát chất lượng trong thời gian ngắn; từ đây dẫn đến hệ quả chậm xây dựng, ban hành các kế hoạch thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Đáng chú ý, đa số nhà chung cư cũ lại tập trung tại khu vực nội thành cũ, thuộc khu vực hạn chế phát triển về mật độ, tầng cao, dân số và theo đó việc điều chỉnh quy hoạch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Một nguyên nhân quan trọng khác là thực tế hiện nay, nguồn ngân sách của địa phương cũng còn hạn chế trong lúc các địa phương cũng chưa chủ động, linh hoạt để bố trí quỹ đất và vốn hỗ trợ lập quy hoạch, giải phóng mặt bằng để tái định cư cũng như đầu tư hạ tầng dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Một số quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục trong cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư còn mâu thuẫn, chồng chéo khó áp dụng để thực hiện như quy định phải có phương án bồi thường trước khi được lựa chọn chủ đầu tư.

Trong khi đó trên thực tế, với các dự án cải tạo chung cư cũ, thông thường phải được lựa chọn làm chủ đầu tư, các doanh nghiệp mới thực hiện công tác lập quy hoạch 1/500 và từ đây mới xây dựng các phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, việc chưa có sự thống nhất đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân có nhà chung cư được cải tạo hay xây mới với các doanh nghiệp tham gia thực hiện dự án khiến công tác này thường kéo dài, mất nhiều thời gian và đây cũng là một yếu tố làm chậm quá trình thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Những vướng mắc và nguyên nhân trên đây khiến trong suốt 10 năm qua, tỉ lệ cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn cả nước mới đạt xấp xỉ 3%.

Cần sửa đổi Nghị định 101/2015

Để đẩy nhanh quá trình cải tạo chung cư cũ trên địa bàn cả nước, Bộ Xây dựng cho hay sẽ phối hợp với các địa phương thành lập tổ công tác, qua đó đánh giá các kết quả cũng như các vướng mắc, bất cập, đề xuất giải pháp trong công tác cải tạo nhà chung cư cũ, đồng thời, nghiên cứu sửa đổi Nghị định 101/2015 về cải tạo chung cư cũ.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, hiện một số quy định cụ thể của Nghị định số 101 cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với điều kiện thực tế và giúp cho các địa phương đẩy mạnh việc cải tạo, xây dựng lại chung cư, nhà tập thể cũ.

Cụ thể theo ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - việc cải tạo chung cư cũ được quy định rất rõ trong Luật Nhà ở năm 2014 tuy nhiên trong quá trình triển khai xuất hiện nhiều bất cập như khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng hay lập quy hoạch…

Bộ Xây dựng theo đó đề xuất các địa phương cần được chủ động trong việc tổ chức, lựa chọn đơn vị lập quy hoạch chi tiết 1/500 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở để thực hiện các bước tiếp theo. Trong trường hợp đơn vị lập quy hoạch không phải là chủ đầu tư được chọn triển khai thực hiện dự án, chi phí lập quy hoạch chi tiết 1/500 sẽ được tính vào chi phí thực hiện dự án và hoàn trả lại đơn vị lập.

Ngoài ra để thu hút các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động này, Bộ Xây dựng cũng đề xuất sửa đổi quy định cho phép doanh nghiệp đăng ký thực hiện dự án chỉ phải nộp hồ sơ đề xuất đăng ký tham gia dự án và phương án sơ bộ hoặc cam kết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, phương án sơ bộ quy hoạch việc cải tạo, xây dựng lại thay vì phải phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chi tiết bởi còn bị phụ thuộc vào quy hoạch chi tiết 1/500. Sau khi lựa chọn được chủ đầu tư, doanh nghiệp mới thực hiện lập quy hoạch 1/500 và các thủ tục đầu tư khác của dự án.

Chuyên đề