Các nhà máy Trung Quốc gặp áp lực lớn khi nhu cầu tại Mỹ và châu Âu suy giảm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các nhà sản xuất Trung Quốc đang bắt đầu nhận thấy nhu cầu đối với hàng tiêu dùng ở các nền kinh tế phát triển giảm sút, sau khi phục hồi mạnh mẽ từ cú sốc đại dịch. Theo CNBC, nhu cầu hàng hóa đang "bình thường hóa" dẫn đến tăng trưởng và thương mại toàn cầu chậm lại đáng kể, nhưng chưa hoàn toàn là suy thoái.
Công nhân làm việc trong một nhà máy sản xuất ô ở Phúc Kiến, Trung Quốc, tháng 6/2022. Ảnh: Getty Images
Công nhân làm việc trong một nhà máy sản xuất ô ở Phúc Kiến, Trung Quốc, tháng 6/2022. Ảnh: Getty Images

Doanh số bán hàng tại châu Âu của HiBrew - một công ty sản xuất máy pha cà phê ở Quảng Đông, Trung Quốc - đang giảm sút sau một năm tăng trưởng ấn tượng. Năm ngoái, nhu cầu dồn nén của người tiêu dùng toàn cầu đã giúp doanh số hàng tiêu dùng Trung Quốc bật tăng.

Theo Tổng giám đốc Zeng Qiuping, doanh thu của HiBrew đã tụt 30 - 40% trong năm nay, trái ngược với mức tăng trưởng 70% của năm ngoái. Chi phí sinh hoạt gia tăng ở Mỹ và châu Âu, cùng với việc các nhà nhập khẩu chờ khả năng Mỹ - Trung hạ thuế quan đối với hàng hoá của nhau, đã dẫn tới sự sụt giảm này, ông Zeng Qiuping lý giải.

Giới phân tích cho biết thêm, giá cước vận tải đã bắt đầu giảm xuống sau khi tăng cao kỷ lục trong thời gian đại dịch. Đây là một tín hiệu cho thấy nhu cầu đối với các dịch vụ logistics bắt đầu nguội bớt. Sự giảm giá cước vận tải là một tin tốt đối với các nhà xuất - nhập khẩu, nhưng cũng đồng thời là một dấu hiệu cảnh báo khác.

Trong khi trước đây giới thương nhân phải đương đầu với những biến động và tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng, thì giờ đây họ phải vật lộn với nhu cầu suy giảm, đặc biệt là ở các nền kinh tế phát triển.

Ông Shabsie Levy - nhà sáng lập nền tảng chuỗi cung ứng Shifl - cho biết, trên thực tế, giá cước vận tải biển giao ngay giữa Trung Quốc và bờ đông cũng như bờ tây của Mỹ đã đi xuống. Sự sụt giảm bắt nguồn từ việc nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ suy yếu; đồng thời nhiều nhà bán lẻ lớn như Target, Home Depot,… đang có lượng lớn hàng tồn kho.

“Nhu cầu mua sắm giảm xuống đã kéo tụt cước vận tải biển và điều này sẽ tiếp tục. Tôi chưa gọi sự suy giảm nhu cầu này là một cuộc suy thoái, nhưng mọi thứ có vẻ đang diễn biến theo chiều hướng xấu”, ông Levy nhận định và cho biết, một số khách hàng của ông đang chứng kiến doanh số bán hàng giảm sút, đặc biệt là ở những mặt hàng có giá trị cao và các mặt hàng ít thiết yếu hơn.

Hàng tồn kho dư thừa

Trong đại dịch, chi phí vận chuyển container đã tăng cao do sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Shifl cho biết, giá cước vận chuyển đường biển giao ngay giữa Trung Quốc và Mỹ đã tăng gần 3,5 lần trong giai đoạn từ tháng 1/2020 đến tháng 5 năm nay.

Chi phí logistics cao hơn buộc các nhà sản xuất phải tự hấp thụ hoặc chuyển sang cho nhà nhập khẩu hoặc người tiêu dùng, từ đó làm tăng áp lực lạm phát trên toàn cầu.

Tuy nhiên, các đơn hàng xuất khẩu mới từ Trung Quốc tới Mỹ hiện đã chững lại và các doanh nghiệp như Samsung U.S. - nhà nhập khẩu lớn thứ 7 tại Mỹ, đã giảm một nửa đơn hàng cho tháng 7, theo dữ liệu của Shifl.

Thậm chí sau khi lệnh phong toả ở Thượng Hải được dỡ bỏ, các chủ hàng tại Trung Quốc cũng chỉ nhận được phản ứng không mấy mặn mà từ các nhà nhập khẩu nước ngoài, ông Levy cho hay.

Giá cước vận chuyển đường biển giao ngay giữa Trung Quốc và Mỹ đã tăng gần 3,5 lần trong giai đoạn từ tháng 1/2020 đến tháng 5 năm nay. Ảnh: Internet

Giá cước vận chuyển đường biển giao ngay giữa Trung Quốc và Mỹ đã tăng gần 3,5 lần trong giai đoạn từ tháng 1/2020 đến tháng 5 năm nay. Ảnh: Internet

Chỉ số vận tải container tổng hợp của Drewry đã giảm hơn 30% kể từ tháng 9 năm ngoái. Chi phí vận chuyển hàng trên các tuyến đường chính - chẳng hạn như Thượng Hải đến New York và Thượng Hải đến Rotterdam, mất tới 24% so với năm 2021.

Nhà kinh tế Marc Levinson bình luận trong một bài đăng trên LinkedIn: “Hệ thống phân phối của Mỹ đang đầy ắp hàng hoá. Tồn kho của doanh nghiệp trong tháng 4 đã tăng gần 18% so với cùng kỳ năm trước”.

“Nguyên nhân tồn kho tăng cao? Nói một cách đơn giản, người tiêu dùng đang rút bớt hầu bao. Khi thói quen mua sắm trở lại chuẩn mực trước đại dịch, lạm phát làm giảm sức mua và doanh số bán nhà đình trệ, nhu cầu đối với hàng tiêu dùng cũng chững lại”, ông Levinson giải thích và cho biết thêm, xu hướng này có thể nhìn thấy ở châu Âu, Bắc Mỹ và một phần châu Á.

Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu

Giới chuyên gia kinh tế đang nhận thấy những khó khăn trong nhu cầu và chi tiêu của người dân.

Khi chi phí của các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và điện nước tăng, người tiêu dùng Mỹ không còn dư dả để chi tiêu cho những mặt hàng tuỳ ý khác, ông Nathan Sheets - Nhà kinh tế trưởng tại Citi nhận xét.

“Cảm nhận của tôi là người tiêu dùng, nhất là những người có thu nhập thấp, đang bắt đầu chùn bước. Chúng tôi thấy xu hướng này ở lĩnh vực tiêu dùng không phải là thiết yếu”, ông Sheets lưu ý.

Theo bà Jennifer McKeown, Giám đốc cấp cao của hãng phân tích Capital Economics, có những dấu hiệu cho thấy chi tiêu hàng hoá hiện đang “đi ngang” ở các nền kinh tế tiên tiến. Trong khi người dân vẫn chi tiền cho các dịch vụ như ăn uống, nhu cầu về hàng hoá lại “bị ảnh hưởng bất lợi bởi sự gia tăng của giá cả và lãi suất, khiến người dân chuyển sang mua các hàng tiêu dùng lâu bền hơn”.

Chiến lược gia trưởng Yung-Yu Ma của BMO Wealth Management đồng tình với nhận định này. Ông Ma nói rằng, nhu cầu hàng hoá đang đối mặt với 3 thách thức lớn gồm sự dịch chuyển của người tiêu dùng về phía dịch vụ, lạm phát bào mòn sức mua, và mối lo suy thoái kinh tế.

“Nếu kinh tế không giảm tốc nhiều hoặc không xảy ra suy thoái, có thể đến mùa xuân sang năm, nhu cầu và nguồn cung sẽ trở nên cân đối hơn. Một cuộc suy thoái kinh tế toàn phần sẽ khiến quá trình điều chỉnh lượng hàng tồn kho càng kéo dài hơn”, ông Ma nhận định.

Chuyên đề