Hệ thống tài chính Mỹ vẫn đang hồi phục tốt sau khủng hoảng. Ảnh: Reuters |
Ngành ngân hàng không chỉ liên tiếp lập kỷ lục lợi nhuận những năm gần đây, số liệu của FDIC (Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ) công bố tuần này cũng cho thấy tăng trưởng tín dụng vẫn mạnh và số nhà băng yếu kém cũng xuống thấp nhất 7 năm. Kết quả kinh doanh 2016 trái ngược với viễn cảnh u ám mà Tổng thống Mỹ - Donald Trump và Đảng Cộng hòa vẽ ra để nới lỏng các quy định tài chính.
Năm ngoái, các nhà băng Mỹ đạt lợi nhuận tổng cộng 171,3 tỷ USD. FDIC cho biết trong số hơn 5.900 tổ chức tài chính, 59% có lợi nhuận quý cuối năm ngoái. Số ngân hàng thua lỗ cũng chỉ còn 8,1%.
"Hệ thống ngân hàng Mỹ chắc chắn đã hồi phục sau khủng hoảng. Mọi chuyện không tệ như người ta vẫn nói đâu", Nathan Dean – nhà phân tích chính sách tài chính tại Bloomberg Intelligence nhận xét.
Ông Trump luôn tuyên bố muốn bãi bỏ Dodd-Frank – Đạo luật cải cách ngân hàng ra đời sau khủng hoảng. Ông gọi đây là một "thảm họa" và thậm chí đã ký sắc lệnh yêu cầu xem xét lại đạo luật này.
Dù vậy, giới quan sát cho rằng các ngân hàng đạt lợi nhuận cao chính là nhờ đ Dodd-Frank. "Một phần nguyên nhân là niềm tin hồi phục vào thị trường tài chính. Và niềm tin đó có được là nhờ Dodd-Frank", Robert Shapiro - cố vấn dưới thời Tổng thống Obama và Bill Clinton cho biết.
Ông cũng lấy ví dụ việc kiểm soát lỏng hơn tại châu Âu khiến nhiều ngân hàng gặp rắc rối, đặc biệt là tại Tây Ban Nha, Italy và Đức. "Những quy định này không phải là gánh nặng. Nó thực chất đã giúp ngành tài chính", Shapiro kết luận.
Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) – bà Janet Yellen gần đây cũng bác bỏ quan điểm rằng Dodd-Frank khiến các nhà băng Mỹ trở nên kém cạnh tranh. Bà nhận xét các ngân hàng nước này có lợi nhuận "khá tốt" và "khá mạnh so với các đối thủ". Họ có thể nhanh chóng gây dựng lại vốn sau khủng hoảng là nhờ Mỹ kiên quyết thực hiện các quy định kiểm soát.