Các nền kinh tế lớn vật lộn giải quyết nguy cơ suy thoái

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong giai đoạn cuối quý II, đầu quý III, nhiều tổ chức đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022. Cụ thể, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng ở mức 3,2% trong năm 2022, giảm 0,4% so với dự báo được đưa ra vào đầu năm 2022. Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD) cũng hạ dự báo tăng trưởng lần lượt ở mức 2,9% và 3%.
Các nền kinh tế châu Âu giải bài toán năng lượng. Ảnh: Reuters
Các nền kinh tế châu Âu giải bài toán năng lượng. Ảnh: Reuters

Viễn cảnh ảm đạm tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu… là nguyên nhân chính khiến các tổ chức này hạ dự báo tăng trưởng. Trong bối cảnh này, các nền kinh tế lớn đang “vẫy vùng” như thế nào để đối phó với cuộc khủng hoảng trước mắt?

Mỹ kỳ vọng nền kinh tế “hạ cánh mềm”

Nền kinh tế Mỹ đã suy giảm trong 2 quý liên tiếp đầu năm 2022. Kể từ đầu năm tới nay, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất 3 lần vào tháng 3, tháng 6 và tháng 7, trong đó, lãi suất tăng 0,75 điểm phần trăm vào 2 lần gần nhất - mức mạnh nhất kể từ khi Fed bắt đầu sử dụng lãi suất cho vay qua đêm như một công cụ chủ đạo của chính sách tiền tệ vào đầu thập niên 1990.

Chuỗi nâng lãi suất liên tiếp của Fed diễn ra sau gần 2 năm giữ lãi suất ở ngưỡng 0 - 0,25% để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua cú sốc do Covid-19 gây ra. Sự thắt chặt diễn ra trong bối cảnh lạm phát tháng 6 ở Mỹ là 9,1%, cao nhất kể từ cuối năm 1981 và vượt xa mục tiêu lạm phát chính thức 2% của Fed.

Cùng với việc tăng lãi suất, Fed tiếp tục giảm quy mô của bảng cân đối kế toán đã lên tới 9 nghìn tỷ USD do Fed đã mua tài sản để bơm tiền vào nền kinh tế trong thời gian đại dịch. Bắt đầu từ tháng 6, Fed dừng mua tài sản bằng tiền thu về từ một số trái phiếu đáo hạn. Tuy nhiên, từ đó đến nay, bảng cân đối kế toán của Fed mới chỉ giảm 16 tỷ USD, cho dù mục tiêu của Fed đang là cắt giảm 47,5 tỷ USD mỗi tháng. Fed dự kiến đến tháng 9, tốc độ cắt giảm sẽ là 95 tỷ USD mỗi tháng.

Các tổ chức kinh tế lớn đánh giá, Mỹ có khả năng tránh được một cuộc suy thoái khi Fed tiếp tục nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát, đồng thời sẽ “lái” được nền kinh tế hạ cánh mềm. Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng một cuộc “hạ cánh mềm” có thể xảy ra: đó là tình huống lạm phát giảm xuống mà tỷ lệ thất nghiệp không tăng mạnh.

Trung Quốc mong “kết quả tốt nhất có thể”

Ngày 28/7, tại cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc, chính quyền nước này kết luận sẽ nỗ lực tối đa để nền kinh tế đạt "kết quả tốt nhất có thể". Trước đó, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% năm 2022, nhưng dường như mục tiêu này ngày càng ngoài tầm với.

Thực tế, Trung Quốc công bố kết quả GDP quý II chỉ tăng 0,4%, không đạt mức dự báo 1% được đưa ra trước đó. Đây là kết quả thấp nhất kể từ quý I/2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát và nước này ghi nhận tăng trưởng âm 6,8%.

Đáng chú ý, các ca nhiễm Covid-19 tăng trở lại khiến tình trạng phong toả trên diện rộng nhiều khả năng tiếp tục duy trì, cộng với cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng sâu sắc đã gây ảnh hưởng nặng nề đến niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Nhận thức được tình thế khó khăn của nền kinh tế, Trung Quốc lựa chọn cho mình lối đi riêng. Ngày 15/8/2022, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) bất ngờ công bố hạ lãi suất, giảm lãi suất chủ chốt áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn cấp cho các ngân hàng thương mại từ mức 2,1% về 2%. Lãi suất của chương trình cho vay 1 năm cũng giảm về 2,75% từ mức 2,85%, qua đó "bơm" thêm 400 tỷ NDT (59,33 tỷ USD) vào thị trường. Đây là lần thứ 2 trong năm, PBOC cắt giảm các loại lãi suất này.

Đồng thời, nâng hạn mức tín dụng không chỉ tại các ngân hàng thương mại mà còn tại các ngân hàng chính sách thêm 800 tỷ NDT (tương đương 120 tỷ USD) để phối hợp phát triển hạ tầng. Việc bổ sung hạn mức tín dụng cho hệ thống nhà băng sẽ giúp chính quyền địa phương đáp ứng được các mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng mà Chính phủ Trung Quốc đề ra, vừa tạo việc làm, vừa tạo chuỗi cung ứng hạ tầng phù hợp nhằm khắc phục sự trì trệ bởi đại dịch Covid-19.

Trước đó, Trung Quốc đã công bố gói 33 biện pháp bao gồm các chính sách tài khóa, tài chính, đầu tư và công nghiệp nhằm vực dậy nền kinh tế bị đại dịch tàn phá.

Hiệu quả của việc nới lỏng tiền tệ và các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế cần chờ thêm thời gian để làm rõ. Tuy nhiên, việc Trung Quốc một mình một đường, ngược chiều với các nền kinh tế lớn trên toàn cầu đồng nghĩa với việc sẽ phải chịu nhiều những thử thách hơn nữa trong thời gian tới.

EU và bài toán năng lượng

Nếu như nước Mỹ đau đầu với bài toán lạm phát, thì nền kinh tế châu Âu - chiếm gần 1/5 sản lượng kinh tế thế giới, phải đối diện với nhiều vấn đề hơn nữa: không chỉ lạm phát cao, tình trạng nắng nóng kỷ lục và đặc biệt là cuộc khủng hoảng năng lượng.

Bộ phận phân tích thông tin kinh tế (EIU) của tạp chí The Economist (Anh) dự báo sẽ có một cuộc suy thoái ở châu Âu vào mùa đông 2022 - 2023 do thiếu hụt năng lượng và lạm phát gia tăng liên tục. Mùa đông 2023 - 2024 cũng sẽ đầy thách thức.

Đức, “đầu tàu kinh tế châu Âu”, đang nằm trong tâm bão khi liên tiếp chịu các cú sốc từ khủng hoảng năng lượng, hạn hán và sự đổ vỡ trong thương mại toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế bị đình trệ trong quý II và có khả năng chuyển sang tiêu cực trong những tháng tới. Theo IMF, nếu kịch bản Nga đóng hoàn toàn đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 xảy ra, hoạt động kinh tế của Đức có thể giảm sút đáng kể và lạm phát gia tăng mạnh.

Nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng, Liên minh châu Âu (EU) buộc phải kích hoạt kế hoạch cắt giảm tiêu thụ khí đốt trên toàn khối ở mức 15% từ giữa tháng 8/2022 đến tháng 3/2023, dựa trên mức tiêu thụ trung bình của 5 năm trước. Kế hoạch khẩn cấp của EU nhằm tiết kiệm nhiên liệu cho mùa đông tới do nguồn cung khan hiếm.

Trong khi đó, chính phủ các nước EU cũng ban hành hàng loạt biện pháp nhằm giảm tiêu thụ năng lượng ngay trong mùa hè. Italy, nền kinh tế lớn thứ ba của EU ban hành kế hoạch khẩn cấp, theo đó đèn chiếu sáng xung quanh các tượng đài phải tắt, các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa vào lúc 19h. Chính phủ Pháp áp dụng mức phạt cao đối với các cơ sở mở cửa trong khi bật điều hòa vào mùa hè và máy sưởi vào mùa đông. Tây Ban Nha, nước không phụ thuộc nhiều vào nguồn cung khí đốt từ Nga, cũng đề ra mục tiêu cắt giảm 7 - 8% lượng tiêu thụ năng lượng để hỗ trợ các nỗ lực chung của cả khối…

Tuy đã cố gắng chuẩn bị cho cuộc sống vắng khí đốt, Nga, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn có thể phải đối mặt với một mùa đông ảm đạm. Theo dự báo của Moody’s, tăng trưởng GDP của Eurozone có thể giảm 3% năm 2023 nếu Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt mùa đông tới.

Chuyên đề