Các dự án giao thông kết nối TP.HCM: Sớm thoát trì trệ, tăng quy mô

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo PGS.TS. Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, TP.HCM là một siêu đô thị hơn 13 triệu dân, nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa của người dân, doanh nghiệp từ TP.HCM đến các tỉnh miền Tây, cũng như miền Đông và miền Bắc là rất lớn.
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành được triển khai gần 10 năm nay nhưng nhiều đoạn chưa hoàn thành. Ảnh: Phước Tuấn
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành được triển khai gần 10 năm nay nhưng nhiều đoạn chưa hoàn thành. Ảnh: Phước Tuấn

Tuy nhiên, giao thông lại đang là điểm nghẽn lớn nhất của Thành phố khi hàng loạt dự án đường bộ cao tốc kết nối chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ, gây lãng phí nguồn lực, dư địa để phát triển kinh tế - xã hội. Hiện đã có một số tín hiệu sáng trong việc tháo gỡ điểm nghẽn này.

Ông Phạm Xuân Mai phân tích, các tuyến đường cao tốc ở phía Nam hiện chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại. Vấn đề lớn nhất là đẩy nhanh tiến độ các tuyến cao tốc trọng điểm kết nối TP.HCM với các khu vực kinh tế vốn dĩ đã được triển khai nhưng chưa thể hoàn thành, mở rộng các tuyến cao tốc đang có như: cao tốc TP.HCM - Trung Lương, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây… Bên cạnh đẩy nhanh tiến độ, việc tăng quy mô đầu tư (nâng số làn ngay trong giai đoạn 1) được xem là vô cùng bức thiết.

Tại Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành (tổng mức đầu tư gần 29.600 tỷ đồng), dù triển khai gần 10 năm nay nhưng nhiều đoạn chưa thể hoàn thành vì nhiều lý do. Báo cáo của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho thấy, đoạn tuyến phía Tây cao tốc Bến Lức - Long Thành (Km0+700 - Km21+739,5), đoạn tuyến phía Đông (Km32+450 - Km57+700) sẽ thông xe trước ngày 30/4/2025. Đối với đoạn giữa (Km21+739,5 - Km32+450), Gói thầu J1 (cầu Bình Khánh và đường dẫn) sẽ hoàn thành trước ngày 30/9/2025; Gói thầu J2 đã thi công xong; Gói thầu J3-1 Thi công phần khối lượng còn lại của Gói thầu J3 đã hoàn thành đánh giá hồ sơ dự thầu nhưng chưa ký hợp đồng do chờ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư. Đồng thời, Gói thầu XL-NG51 (xây dựng nút giao liên thông hoàn chỉnh với Quốc lộ 51 và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu) mới được bổ sung nên VEC đang tổ chức đấu thầu, dự kiến tháng 4/2026 sẽ hoàn thành thi công. Theo VEC, mốc hoàn thành toàn bộ Dự án đã định hình rõ hơn rất nhiều. Thực tế, Dự án gặp nhiều khó khăn do nhà thầu Nhật Bản không tiếp tục thực hiện Gói thầu J3 (Xây dựng cầu Phước Khánh và đường dẫn), phía JICA thống nhất không tiếp tục tài trợ cho khối lượng còn lại của Gói thầu, VEC phải tự thu xếp vốn để hoàn thành.

Cũng liên quan đến cao tốc Bến Lức - Long Thành, theo thông tin từ Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An, Gói thầu XL3 thuộc điểm cuối Dự án đường Vành đai 3 qua Long An đang thi công đạt tiến độ gần 67%. Theo thiết kế, Gói thầu XL3 có đoạn gần 300m nối cao tốc Bến Lức - Long Thành với cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Sở này cho biết, các nhà thầu thi công Gói thầu XL3 đang đẩy nhanh tiến độ, tập trung phương tiện, thiết bị đồng loạt thi công thảm bê tông nhựa. “Cùng với việc hoàn thành thảm bê tông nhựa, toàn bộ các hạng mục phụ trợ sẽ hoàn tất trước 10/1/2025 để bàn giao cho VEC tổ chức giao thông tạm đoạn tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành từ nút giao với cao tốc TP.HCM - Trung Lương đến Quốc lộ 1. Đây là nỗ lực rất lớn của tỉnh Long An, Chủ đầu tư và các nhà thầu để giúp giảm tải áp lực giao thông cho khu vực dịp cuối năm”, ông Trần Thiện Trúc, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An chia sẻ.

Theo kế hoạch, cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ thông xe trước đoạn từ cao tốc TP.HCM - Trung Lương đến Quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh, TP.HCM) và từ cảng Phước An (huyện Nhơn Trạch) đến Quốc lộ 51 (Đồng Nai).

Đối với cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Lê Quốc Dũng, Giám đốc Ban Quản lý dự án 7 (thuộc Bộ Giao thông vận tải) cho biết, để mở rộng cao tốc này lên 6 - 8 làn xe theo hợp đồng BOT, cần kinh phí gần 38.700 tỷ đồng, nhà đầu tư thu phí trong 23 năm 5 tháng. Đây là dự án rất quan trọng trong việc tạo đột phá, khơi thông kết nối hạ tầng, tránh lãng phí nguồn lực cho khu vực kinh tế năng động TP.HCM - Đông Nam Bộ - Tây Nam Bộ. Đặc biệt, đã có một số nhà đầu tư quan tâm, sẵn sàng đồng hành đưa Dự án về đích như Tập đoàn Đèo Cả; Công ty CP Tasco; Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM.

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương hiện hữu được khai thác với 4 làn xe, là điểm nghẽn lưu thông của toàn khu vực, nhà đầu tư sẽ tham gia để nâng quy mô lên 8 làn xe. Đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận được đưa vào khai thác từ năm 2022 với quy mô 4 làn xe hạn chế, sẽ được nâng lên 6 làn xe, đáp ứng nhu cầu vận tải trong giai đoạn tới.

Chuyên đề