Cà Mau: “Kích hoạt” dự án thành phần công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau (đoạn nối từ đường Võ Văn Kiệt đến Quốc lộ 1A) thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025 vừa được UBND tỉnh Cà Mau ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện từ đầu tháng 10/2022.
Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau là 1 trong 12 dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet
Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau là 1 trong 12 dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet

Theo kế hoạch, từ nay đến hết tháng 10/2023, các cơ quan, đơn vị có liên quan sẽ thực hiện các nhiệm vụ: tái định cư; ban hành kế hoạch điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm và ban hành thông báo thu hồi đất; tiến hành đo đạc, kiểm đếm; lập, phê duyệt và thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; bàn giao mặt bằng; xử lý các yêu cầu, khiếu nại, các tồn đọng phát sinh và kết quả thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt ngày 13/7/2022. Chủ đầu tư dự án này là Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận. Tổ chức tư vấn khảo sát, lập Báo cáo nghiên cứu khả thi là Liên danh Công ty CP Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải phía Nam (TEDI South) - Công ty CP Tư vấn Trường Sơn.

Về tuyến cao tốc, điểm đầu là Km53+000 kết nối vào điểm cuối Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang thuộc huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Điểm cuối là Km126+223 giao với đường hành lang ven biển phía Nam thuộc huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Tổng chiều dài tuyến khoảng 73,223 km.

Về tuyến nối, điểm đầu Km0+000 kết nối vào điểm cuối Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau (nút giao IC12) thuộc huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Điểm cuối Km16+597 kết nối với Quốc lộ 1, thuộc huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Tổng chiều dài tuyến khoảng 16,597 km.

Được biết, diện tích đất sử dụng của dự án trên khoảng 590,9 ha; trong đó, địa phận tỉnh Hậu Giang khoảng 206,36 ha, địa phận tỉnh Bạc Liêu khoảng 82,18 ha, địa phận tỉnh Kiên Giang khoảng 114,55 ha và địa phận tỉnh Cà Mau khoảng 187,81 ha. Đây là công trình giao thông đường bộ, cấp I, thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia.

Dự án có chi phí bồi thường hỗ trợ và tái định cư (đã bao gồm dự phòng) 1.988,17 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị 12.551,97 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án 54,23 tỷ đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng 313,82 tỷ đồng; chi phí khác 403,83 tỷ đồng và chi phí dự phòng 1.840,63 tỷ đồng.

Theo Bộ Giao thông vận tải, trong khoản chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (đã bao gồm dự phòng) 1.988,17 tỷ đồng, thì đoạn qua tỉnh Hậu Giang là 767,00 tỷ đồng; đoạn qua tỉnh Bạc Liêu là 152,95 tỷ đồng; đoạn qua tỉnh Kiên Giang là 392,62 tỷ đồng; đoạn qua tỉnh Cà Mau là 675,60 tỷ đồng.

Đối với công tác tổ chức thực hiện, tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành tiểu dự án riêng, do UBND các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau tổ chức thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 29 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ.

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận chịu trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Chủ đầu tư Tiểu dự án giải phóng mặt bằng và các đơn vị có liên quan để kiểm tra, rà soát, đảm bảo khối lượng giải phóng mặt bằng phù hợp với hồ sơ thiết kế được phê duyệt, đảm bảo chặt chẽ về thủ tục, tuân thủ quy định.

Như vậy, khi hoàn thành đưa vào khai thác, dự án này không những giúp đồng bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, mà còn kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm; hơn thế nữa, còn tạo sức lan tỏa cao để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Chuyên đề