Bước ngoặt trái phiếu riêng lẻ lên sàn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thông tư số 30/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 chính thức hướng dẫn việc giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ (TPRL) tại thị trường trong nước. Theo đó, thay vì mỏi mòn chờ đợi doanh nghiệp (DN) trả nợ gốc và lãi trái phiếu, hàng vạn trái chủ - nhà đầu tư có thêm một cách để lấy lại tiền, đó là chào bán trái phiếu qua sàn tập trung tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).
Thông tư số 30/2023/TT-BTC lại được ví là cái “phao” cứu nhà đầu tư, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp không thể trả được nợ gốc và lãi trái phiếu. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Thông tư số 30/2023/TT-BTC lại được ví là cái “phao” cứu nhà đầu tư, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp không thể trả được nợ gốc và lãi trái phiếu. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Thêm “phao” cứu trái chủ

Tính đến ngày 22/6/2023, HNX ghi nhận toàn thị trường có 5.296 mã TPRL đã đăng ký lưu ký. Trong số này có 2.353 mã đang ở trạng thái bình thường (các mã khác đã hủy toàn bộ hoặc hủy một phần). Đây là những hàng hóa tiềm năng giao dịch trên sàn TPRL, không kể các mã do DN phát hành riêng với nhà đầu tư và không đăng ký với HNX (nhà đầu tư có thể kiểm tra trái phiếu mình đang nắm giữ đã được đăng ký lưu ký hay chưa tại link https://cbonds.hnx.vn/to-chuc-luu-ky).

Nếu như Nghị định số 08/2023/NĐ-CP mở cái “phao” hỗ trợ DN bằng cách cho phép DN được đàm phán với trái chủ giãn nợ thêm 2 năm thì Thông tư số 30/2023/TT-BTC lại được ví là cái “phao” cứu nhà đầu tư, trong bối cảnh DN không thể trả được nợ gốc và lãi trái phiếu. Như chia sẻ của ông Phan Lê Thành Long - Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc (CMA Australia) tại Việt Nam, với việc sàn giao dịch TPRL mở ra, những người đang sở hữu trái phiếu có cơ hội lấy lại tiền bằng cách bán đi trái phiếu. Tuy nhiên, bán giá nào là theo thỏa thuận và điều kiện tiên quyết để bán được là phải có người mua.

Nhiều nhà đầu tư bày tỏ vui mừng khi biết sàn giao dịch TPRL sắp mở cửa. Ông Vũ Duy Phụng, người từng được nhân viên Ngân hàng Techcombank tư vấn chuyển khoản tiết kiệm sang mua trái phiếu doanh nghiệp chia sẻ, ông chỉ mong lấy lại tiền về. Gần 2 năm trước, theo lời tư vấn của nhân viên Techcombank, tiền tiết kiệm của ông đã được chuyển đổi thành trái phiếu của 2 công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) mà ông hoàn toàn không biết. Lúc chuyển đổi, ông hiểu rằng, Techcombank đứng ra bảo lãnh khoản tiền của ông, nhưng khi ký hợp đồng rồi mới biết, Techcombank chỉ đóng vai trò trung gian, rủi ro đầu tư hoàn toàn người mua phải gánh chịu. Hai mã trái phiếu của ông Phụng đáo hạn vào tháng 7/2023 và tháng 7/2024, nhưng ông không còn muốn nắm giữ nữa. Ông đã mất niềm tin khi chứng kiến các vụ việc xảy ra tại Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát và hàng loạt doanh nghiệp lớn không trả được gốc, lãi trái phiếu đúng hạn. Nay ông chỉ muốn có nơi để bán trái phiếu đi và lấy tiền về.

Trước thời điểm sàn TPRL hoạt động, câu hỏi nhiều nhà đầu tư quan tâm nhất là làm thế nào để bán được trái phiếu? Mang câu hỏi này đi hỏi các bên liên quan thì được biết, điều kiện đầu tiên là DN phải đăng ký lưu ký trái phiếu tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam. Tiếp theo, các trái chủ tiến hành lưu ký trái phiếu của mình tại thành viên lưu ký (công ty chứng khoán). Đó là điều kiện cần để trái phiếu “lên sàn”.

Điều kiện đủ là TPRL chào bán phải có người mua. Thông tư số 30 quy định, HNX áp dụng phương thức giao dịch thỏa thuận trên hệ thống giao dịch TPRL. “Các bên tham gia giao dịch tự thỏa thuận, thống nhất các nội dung giao dịch. Giao dịch được xác lập khi bên mua hoặc bên bán nhập lệnh vào hệ thống và bên đối ứng xác nhận lệnh giao dịch”. Như vậy, nếu có người mua và 2 bên khớp giá thì giao dịch thành công, HNX ghi nhận và công khai giá. Nếu không, giao dịch không diễn ra và trái chủ vẫn “ôm” trọn quyền đòi nợ cũng như rủi ro đối với trái phiếu riêng lẻ.

Để thị trường vận hành lành mạnh

Dù được điều chỉnh bởi 3 nghị định liên tiếp ra đời trong hơn 2 năm qua gồm Nghị định số 153/2020/NĐ-CP; Nghị định số 65/2022/NĐ-CP và Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, nhưng thị trường trái phiếu DN riêng lẻ Việt Nam vẫn đang ở trong tình trạng vô cùng nan giải. Đó là các DN hầu như không huy động được vốn mới (tháng 4/2023, DN huy động được 2.671 tỷ đồng bằng trái phiếu; tháng 5/2023, DN không huy động được đồng nào), trong khi gánh nặng nợ hiện tại, khoảng 1,2 triệu tỷ đồng như “quả bom” nổ chậm. Hơn 100 DN đã công bố không thể trả nợ gốc và lãi đúng hạn, trong khi nhiều DN khác đang tiếp tục công bố trên cổng thông tin HNX việc không có khả năng trả nợ đúng hạn. Kinh doanh khó khăn, dòng tiền khó tạo, khiến gánh nặng nợ phải trả khoảng 300.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong nửa cuối năm 2023, đang là bài toán khó giải với DN, với trái chủ và với cả thị trường vốn.

Mở sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ sẽ giúp các trái chủ có thêm một cách “tự cứu mình” nếu tìm được người mua và từ đó, cũng sẽ giúp DN giảm phần nào áp lực đòi nợ của trái chủ. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ hơn đòi hỏi kênh huy động vốn riêng lẻ phải cải tổ từ gốc, minh bạch và chặt chẽ theo quy chuẩn quốc tế.

Chuyên gia chứng khoán Huy Nam cho biết, ở Việt Nam, chúng ta quen gọi là phát hành “riêng lẻ”, nhưng bản chất thuật ngữ tài chính thế giới gọi hoạt động này là “private placements” hay đơn giản hơn là “private offerings”, là giao dịch ngược với phát hành đại chúng (public offerings). Đây là hình thức phát hành đích danh hay bán riêng cho các nhà đầu tư chọn lọc. Hình thức này giúp DN giải quyết khó khăn tài chính tạm thời, tuy có giảm về thủ tục, thời gian và chi phí so với huy động đại chúng, nhưng do nó kém minh bạch, rủi ro cao, dễ có tác động nhạy cảm và tiêu cực đến môi trường đầu tư, nên hoạt động bán riêng luôn được chế định chặt về pháp lý phát hành và quá trình triển khai/vận hành.

Cũng theo ông Huy Nam, trái phiếu là công cụ nợ, là hình thức “vay mượn và cho mượn”. Việc đi vay và cho vay dù là trong bối cảnh đại trà hay hạn hẹp đều cần niềm tin cao. Do đó, việc phát hành nói chung luôn cần các yêu cầu ràng buộc cụ thể về pháp lý nghiệp vụ và kỹ thuật. Riêng hoạt động bán riêng thì còn cần thêm yếu tố đích danh phía nhà đầu tư.

Theo đó, để có cơ sở tạo niềm tin tốt, các chủ thể phát hành trái phiếu cần được yêu cầu thực hiện một số thủ tục, như ký hợp đồng ủy thác; công bố kế hoạch đảm bảo nợ và đặc biệt, cần có Quỹ hoàn trái (sinking fund). Ông Huy Nam cho rằng, đây là loại quỹ tích tụ buộc phải có, phải được trích lập và tích lại hợp lý theo thời gian sử dụng vốn, dùng để “nuôi dưỡng” đợt phát hành theo kế hoạch đảm bảo nợ. Việc tuân thủ lập quỹ tích tụ này trong quá trình sử dụng vốn trái phiếu có mục đích để tránh tình trạng hoạch định tài chính tùy tiện, ngẫu hứng, giảm tình trạng bội hứa, là cách siết chặt kỹ cương trả lãi định kỳ và kế hoạch trả nợ gốc đã được dự liệu. Sinking fund là giải pháp giúp thị trường trái phiếu vận hành lành mạnh mà Việt Nam nên nghiên cứu xây dựng, nếu muốn tạo kênh huy động vốn chủ động cho DN, đồng thời bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư.

Chuyên đề