Bức tranh kinh doanh nửa đầu năm 2021: Những gam màu sáng, tối

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp sau nửa đầu năm 2021 được chia thành 2 nửa sáng, tối.
Thép là một trong những ngành tăng trưởng mạnh doanh thu và lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm. Ảnh: Lê Tiên
Thép là một trong những ngành tăng trưởng mạnh doanh thu và lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm. Ảnh: Lê Tiên

“Trúng đậm” giữa mùa dịch

Chịu ảnh hưởng từ đại dịch, song kết quả kinh doanh quý II/2021 của không ít công ty niêm yết khá tích cực. Dữ liệu của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho thấy có 17/18 lĩnh vực tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2021. Hầu hết các ngành đều báo cáo mức tăng trưởng mạnh mẽ về cả doanh thu và lãi ròng trong 6 tháng đầu năm 2021 chủ yếu dựa trên mức thấp của năm ngoái.

Đáng chú ý, các ngành thép (tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng đạt 318%), hóa chất (+97%) có kết quả kinh doanh tăng vọt do giá nhiều loại hàng hóa liên quan tăng mạnh, nguyên nhân đến từ cầu phục hồi và chuỗi cung ứng bị giãn đoạn. Ngoài ra, các công ty trong ngành hóa chất cũng công bố mức tăng trưởng lợi nhuận vượt bậc nhờ vào giá sản phẩm tăng mạnh.

Doanh nghiệp đầu ngành thép là Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm ở mức kỷ lục với 66.295 tỷ đồng doanh thu, tăng 67,2% so với cùng kỳ năm ngoái; lãi ròng tăng gấp 3,3 lần, đạt 16.750 tỷ đồng. Công ty CP Thép Nam Kim lãi ròng 6 tháng đạt 1.166 tỷ đồng, gấp 20 lần con số 6 tháng đầu năm 2020 và gấp 4 lần lợi nhuận cả năm 2020.

Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) phân tích, sự phục hồi của ngành thép cũng ghi nhận rõ nét ở thị trường xuất khẩu và nhóm sản phẩm thép dẹt nhờ tăng trưởng về xuất khẩu tại các thị trường EU và Mỹ.

Nhóm hóa chất cũng gây ấn tượng khi nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tăng trưởng. Đơn cử, Công ty CP Hóa chất Đức Giang 6 tháng đầu năm 2021 đạt 3.988 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm ngoái; lãi ròng 625 tỷ đồng, tăng 33,3%.

Hóa chất Đức Giang cho biết, việc đổi mới công nghệ sản xuất đã giúp Công ty tiết giảm được chi phí điện năng/nguyên liệu hơn so với trước đây, điều này giúp giảm giá thành sản phẩm, dẫn đến lợi nhuận tăng. Ngoài ra, mặt hàng chủ lực của Công ty là phốt pho vàng tăng mạnh cả về nhu cầu trên toàn thế giới và giá, đóng góp lớn cho kết quả kinh doanh của Công ty.

Tương tự, một loạt doanh nghiệp kinh doanh phân bón cũng lãi đậm trong thời gian qua. Dẫn đầu về lợi nhuận ròng trong quý II/2021 là Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (Đạm Phú Mỹ) với con số kỷ lục hơn 684 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, Đạm Phú Mỹ lãi ròng 872 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu ở mức 4.876 tỷ đồng, tăng trưởng 26%.

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau) cũng ghi nhận doanh thu thuần sau 6 tháng tăng trưởng 29,3% lên 4.236 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đạt gần 430 tỷ đồng, tăng 19,6% so với nửa đầu năm ngoái.

Ngoài các lĩnh vực trên, còn phải kể đến nhiều nhóm ngành khác có tăng trưởng lợi nhuận tốt như đồ gia dụng (+108%), bất động sản (+75%), hàng hóa cá nhân (+67%), vận tải (+66%), ngân hàng (+53%),....

Dù vậy, trong một bức tranh lợi nhuận tươi sáng, không thiếu những mảng tối là các lĩnh vực chịu nhiều tác động từ Covid-19.

Những doanh nghiệp chịu bất lợi lớn

Một trong những nhóm ngành chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất từ dịch Covid-19 là du lịch và hàng không. Theo đó, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) trong bản cáo bạch công bố ngày 20/7 cho thấy doanh thu thuần hợp nhất nửa đầu năm 2021 chỉ là 14.075 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ 2020. Bản cáo bạch này không nêu rõ lãi/lỗ hợp nhất, song tài liệu ĐHĐCĐ thường niên ngày 14/7 ước tính Tổng công ty lỗ hợp nhất 10.788 tỷ đồng, riêng quý II/2021 lỗ 5.900 tỷ đồng.

Vừa qua, Vietnam Airlines đã lên kế hoạch tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu để thanh toán các khoản nợ vay đến hạn cho các tổ chức tín dụng đối tác và nhà cung cấp. Đồng thời bổ sung vốn lưu động để đảm bảo khả năng thanh toán, duy trì hoạt động kinh doanh trong tình hình dịch bệnh phức tạp.

Nhiều công ty khác hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hàng không cũng rơi vào tình trạng thua lỗ, như: Công ty CP Suất ăn hàng không Nội Bài lỗ nửa đầu năm 2021 là 43 tỷ đồng. Công ty CP Dịch vụ hàng không sân bay Đà Nẵng cũng lỗ 7,4 tỷ đồng; hay Công ty CP Dịch vụ hàng không Taseco lỗ lũy kế 6 tháng đầu năm 2021 là 66 tỷ đồng.

Trong khi đó, chịu tác động “kép” từ dịch Covid-19 và giá thép tăng phi mã, tình hình tài chính của các doanh nghiệp xây dựng cũng không mấy tích cực. Cụ thể, Công ty CP Xây dựng Coteccons trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 5.119 tỷ doanh thu, giảm 32% so với cùng kỳ 2020; lợi nhuận sau thuế đạt 99 tỷ đồng, giảm 65%. Tính ra, Công ty mới đạt 29% chỉ tiêu doanh thu và gần 38% chỉ tiêu lợi nhuận của cả năm.

Chung tình cảnh, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons ghi nhận lãi ròng 6 tháng đầu năm 2021 đạt 3.042 tỷ đồng doanh thu thuần. Khấu trừ chi phí, Công ty báo lãi ròng giảm 38% xuống còn xấp xỉ 57 tỷ đồng.

Trong bối cảnh làn sóng Covid-19 thứ 4 đang trở lại và nhiều nơi phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với khó khăn lớn nhất từ trước đến nay. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách, đưa ra giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần duy trì tăng trưởng GDP dương năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64%.

Vào thời điểm đại dịch Covid-19 mới bùng phát, các nhà kinh tế học đã đưa ra nhiều kịch bản vận động của nền kinh tế thế giới, đó là mô hình kiểu chữ V - các nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ sau khi giảm tốc; một số cho rằng đó là chữ U - suy thoái một thời gian tương đối dài rồi mới tăng trưởng mạnh trở lại; hoặc, là chữ W, một đợt phục hồi ngắn sau đó là một giai đoạn suy thoái khác khi các lệnh phong tỏa được áp dụng trở lại nếu xảy ra làn sóng lây nhiễm mới...

Đến thời điểm hiện tại, người ta cho rằng các nền kinh tế nhiều khả năng sẽ hồi phục theo mô hình chữ K. Nghĩa là, nền kinh tế của một quốc gia sẽ có sự phân hóa mạnh với những nhóm ngành được hưởng lợi và tiếp tục tăng trưởng trong đại dịch, trong khi đó sẽ có những đơn vị chịu thiệt hại và lao dốc.

Điều này càng xuất hiện rõ ràng hơn trong bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp nửa đầu năm 2021.

Chuyên đề