Đến 31/5/2022, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Bình Dương đạt hơn 1.828 tỷ đồng, bằng 20,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ảnh: Lê Tiên |
Thu hút đầu tư khởi sắc
Theo thông tin từ UBND tỉnh Bình Dương, trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,84% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng 7,85%; dịch vụ tăng 6,06%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,95%. Kinh tế phục hồi tích cực qua từng tháng, từng quý. Cụ thể, tăng trưởng GRDP quý I ước tăng 5,3%, quý II tăng 8,35% so với cùng kỳ năm 2021. Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục là động lực, đóng góp chính vào mức tăng trưởng của Bình Dương.
Các số liệu tổng hợp cho thấy, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2022 ước thực hiện 60.723 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn nhà nước thực hiện đạt 4.183 tỷ đồng, giảm 10,9%; vốn ngoài nhà nước 23.159 tỷ đồng, tăng 7,4%; vốn đầu tư nước ngoài 33.381 tỷ đồng, tăng 14,6%.
Tính đến 31/5/2022, về đầu tư trong nước, tỉnh Bình Dương đã thu hút 33.817 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh (giảm 22,9% so với cùng kỳ năm 2021), bao gồm 3.028 doanh nghiệp đăng ký mới với số vốn 18.896 tỷ đồng và 662 doanh nghiệp bổ sung tăng vốn hơn 17.527 tỷ đồng. Đáng chú ý, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ghi nhận tốc độ tăng nhanh với tổng số vốn 2,522 tỷ USD, đạt 171% kế hoạch năm, tăng 91% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó có 27 dự án mới với số vốn đăng ký 1.784 triệu USD, 11 dự án điều chỉnh tăng 14 triệu USD, 82 dự án góp vốn 724 triệu USD. Với kết quả khả quan trên, lũy kế đến nay, tỉnh Bình Dương có 4.049 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 39,55 tỷ USD.
Chậm giải ngân đầu tư công
Ở mảng màu còn lại của bức tranh đầu tư, giải ngân đầu tư công dù có tiến triển nhưng tốc độ vẫn rất chậm. Đến 31/5/2022, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 1.828 tỷ đồng, bằng 20,5% kế hoạch năm theo nghị quyết của HĐND Tỉnh và bằng 20,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Một số công trình hạ tầng trọng điểm được khởi công và xúc tiến thủ tục triển khai như: Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) III, các dự án nhà ở xã hội, cầu Bạch Đằng 2, mở rộng Quốc lộ 13; bệnh viện đa khoa 1.500 giường, Vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành qua địa bàn Tỉnh, nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Bình Dương, giải ngân vốn đầu tư công chậm do những nguyên nhân chủ yếu như vướng mắc về đền bù, giải phóng mặt bằng; chưa làm tốt khâu chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án; giá nguyên vật liệu, nhân công tăng cao so với dự toán được phê duyệt nên việc tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công gặp nhiều khó khăn; một số dự án có chủ trương đầu tư được duyệt nhưng bị cắt giảm vốn để tập trung cho công trình giao thông trọng điểm...
Ông Trình Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết, trên cơ sở đánh giá các hạn chế trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, địa phương xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm. Tỉnh sẽ rà soát, kiên quyết điều chuyển vốn từ dự án chậm giải ngân sang các dự án giải ngân tốt, còn thiếu vốn để đảm bảo giải ngân 100% kế hoạch. Phối hợp theo dõi tiến độ, đôn đốc triển khai Dự án Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cảng An Tây, kéo dài tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên từ ga Suối Tiên đến phường Bình Thắng - TP. Dĩ An, tuyến đường sắt Bàu Bàng - Thị Vải - Cái Mép, nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1.