Bức tranh đấu thầu 2020 tại Bắc Giang: Gam màu sáng tối đan xen

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2020, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức lựa chọn nhà thầu cho gần 3.000 gói thầu với tỷ lệ tiết kiệm trung bình khá cao (6,4%) và là 1 trong các tỉnh có tỷ lệ gói thầu đấu thầu qua mạng (ĐTQM) tương đối cao trên cả nước. Tuy vậy, kết quả thanh, kiểm tra đã phát hiện nhiều tồn tại, sai sót trong công tác đấu thầu của các chủ đầu tư cấp huyện, cấp xã.
Năm 2020, tỉnh Bắc Giang tổ chức đấu thầu qua mạng cho 778 gói thầu với tổng giá trị gói thầu đạt 2.724 tỷ đồng. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Năm 2020, tỉnh Bắc Giang tổ chức đấu thầu qua mạng cho 778 gói thầu với tổng giá trị gói thầu đạt 2.724 tỷ đồng. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Bắc Giang cho biết, trong năm 2020, Tỉnh đã tổ chức lựa chọn nhà thầu cho 2.958 gói thầu thuộc các dự án sử dụng vốn nhà nước với tổng giá trị gói thầu 6.748,7 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu 6.317,4 tỷ đồng, chênh lệch giảm 431,3 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm trung bình 6,4%. Trong số 953 gói thầu đấu thầu rộng rãi và chào hàng cạnh tranh, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức ĐTQM 778 gói thầu, đạt 81,6% về số lượng với tổng giá trị gói thầu 2.724 tỷ đồng/6.238 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 43,7% về giá trị gói thầu.

Để tăng cường hiệu quả trong công tác đấu thầu và thúc đẩy áp dụng ĐTQM trên địa bàn, ngày 7/4/2020, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Công văn số 1140/UBND-GT chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật về đấu thầu, đẩy mạnh áp dụng ĐTQM theo lộ trình của Chính phủ. Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Giang đánh giá, năm 2020, Tỉnh tiếp tục triển khai công tác lựa chọn nhà thầu qua mạng và đã mang lại hiệu quả nhất định, là 1 trong các tỉnh có tỷ lệ gói thầu ĐTQM tương đối cao trên cả nước.

Bên cạnh đó, năm 2020, vẫn còn một số gói thầu tư vấn trên địa bàn thực hiện trước khi có quyết định đầu tư, chủ đầu tư chưa đăng tải kế hoạch và kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định. Qua thanh tra, kiểm tra về đấu thầu đối với 25 chủ đầu tư thực hiện 40 dự án, 200 gói thầu do Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã quyết định đầu tư trong năm 2020 đã phát hiện một số sai sót. Cụ thể là hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu quy định một số nội dung chưa phù hợp với quy mô, tính chất của gói thầu và quy định của pháp luật. Một số chủ đầu tư chưa chấp hành nghiêm túc việc đăng tải kế hoạch và kết quả lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu tư vấn…

Thông qua việc thanh, kiểm tra, Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Giang phát hiện một số vi phạm trong đấu thầu nhưng không thể tiến hành xử phạt các lỗi vi phạm do quá thời hiệu xử phạt (quy định thời hiệu xử phạt vi phạm là 1 năm). Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Giang cho rằng, hạn mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KH&ĐT theo Nghị định số 50/2016/NĐ-CP còn rất nhẹ, không đủ sức răn đe đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Theo Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Giang, một trong những tồn tại trong công tác quản lý đấu thầu của địa phương là công tác thanh tra, kiểm tra đấu thầu ở một số huyện trên địa bàn chưa được triển khai thường xuyên, kết quả mới tập trung vào việc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm mà chưa cương quyết xử lý vi phạm. Trong khi đó, công tác quản lý, thực hiện hợp đồng sau đấu thầu của một số gói thầu vẫn chưa tuân thủ các quy định của hồ sơ mời thầu (HSMT), cam kết của nhà thầu trong hồ sơ dự thầu (HSDT) và hợp đồng đã được chủ đầu tư và nhà thầu ký kết. Các biểu hiện chủ yếu là chậm tiến độ, tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư và điều chỉnh hợp đồng không đúng cam kết. Một số cán bộ làm công tác đấu thầu ở cấp huyện, xã vẫn còn hạn chế về trình độ, năng lực và tinh thần trách nhiệm trong tổ chức đấu thầu. Nghiệp vụ ĐTQM tuy đã được Tỉnh tổ chức tập huấn thường xuyên nhưng việc tổ chức thực hiện ở cấp huyện, xã còn lúng túng và hạn chế.

Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Giang cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến tồn tại, sai sót trong công tác đấu thầu của Tỉnh năm 2020 là do ở một số gói thầu, việc đánh giá HSDT của tổ chuyên gia còn hạn chế, thể hiện sự qua loa, chưa đi sâu đánh giá đề xuất kỹ thuật với năng lực thực tế của nhà thầu. Do đó, có tình trạng nhà thầu yếu kém về năng lực, kinh nghiệm vẫn được lựa chọn trúng thầu, dẫn đến chất lượng công trình còn hạn chế và tiến độ thực hiện hợp đồng chậm. Ngoài ra, kỹ năng tổ chức ĐTQM ở một số đơn vị cấp xã chưa thuần thục, quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, tạo nên tâm lý e ngại khi áp dụng ĐTQM.

Chuyên đề