Ảnh minh họa |
Theo đó, dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 20 của Nghị định số 14/2014/NĐ-CP quy định về bồi thường, hỗ trợ đối với nhà ở, công trình ngoài hành lang an toàn (HLAT) đường dây dẫn điện 500kV theo hướng: Nếu cường độ điện trường trong và ngoài nhà ở, công trình gần công trình lưới điện cao áp nếu cường độ điện trường vượt quá mức cho phép thì chủ đầu tư xây dựng công trình lưới điện phải bồi thường, hỗ trợ để di dời nhà ở, công trình hoặc phải thực hiện biện pháp để cường độ điện nằm trong giới hạn cho phép để bảo đảm sức khỏe cho người sinh sống, làm việc trong nhà ở, công trình; không phân biệt cấp điện áp của công trình.
Riêng đối với đường dây dẫn điện cao áp trên không điện áp 500kV, nếu nhà ở, công trình phụ phục vụ sinh hoạt của các cá nhân, hộ gia đình ở ngoài HLAT và giữa hai đường dây 500kV, có khoảng cách theo phương nằm ngang giữa hai dây dẫn pha ngoài cùng gần nhất của hai đường dây nhỏ hơn hoặc bằng 60 mét thì chủ sở hữu nhà ở, công trình được lựa chọn một trong hai phương án: (i) Bồi thường để di dời; (ii) Tiếp tục ở lại và được bồi thường do làm hạn chế khả năng sử dụng như đối với nhà ở, công trình được tồn tại trong HLAT đường dây đến 220kV cho phù hợp với thực tế một số hộ dân không có nhu cầu di dời.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng bãi bỏ các Điều 19 quy định về bồi thường, hỗ trợ đối với đất trong HLAT đường dây dẫn điện trên không; Điều 21 quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất khác sang đất ở.
Đồng thời dự thảo quy định bổ sung một số hành vi bị cấm, bao gồm: Sử dụng điện bằng cách nối một cực của thiết bị sử dụng điện với dây dẫn pha, cực còn lại nối xuống đất do gây mất an toàn; cấm người đến gần chỗ có cột điện bị đổ, dây dẫn điện bị đứt khi chưa có thông báo đã được cắt điện để bảo đảm an toàn; cấm xây dựng công trình có chiều cao có thể gây sự cố lưới điện.